Máy bay “Hai Lúa”, dù chưa có kết luận chính thức, nhưng kết luận của các chuyên gia đã chứng tỏ được rằng: mơ ước lên trời, hình như còn xa vời lắm. Dư luận trong thời gian gần đây lên tiếng rất nhiều. Nhưng, với quá trình chế tạo máy bay 7 năm qua, với những gì đã làm được, có lẽ ở đây cần một cái nhìn rộng hơn về một người dân đam mê sáng chế: anh có một ước mơ, và anh đã chiến đấu vì nó. Trong khoa học, đôi lúc cần, rất cần những sự đam mê như vậy.
Đối với nhiều chuyên gia, đam mê nghiên cứu của “Hai Lúa” rất tốt, nhưng nghiên cứu chế tạo máy bay hình như là… hơi quá tầm. Bay, có vẻ là một dự án lãng mạn. Vậy là lãng phí, không chỉ lãng phí tiền của người nghiên cứu, mà còn lãng phí tiền của nhà nước, khi phải cử rất nhiều chuyên gia đến xem xét, hỗ trợ, chỉ dẫn, kiểm tra, nghiên cứu… Như vậy, một “Hai Lúa” thì còn đỡ, nếu mà mỗi tỉnh nảy sinh ra một “Hai Lúa” như vậy, chắc Bộ Quốc phòng và cơ quan quản lý địa phương sẽ xất bất xang bang vì phải giúp đỡ người dân… nghiên cứu máy bay.
Nhưng, rõ ràng trong việc này, các đơn vị quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, đã hết sức trân trọng ước mơ của hai người nông dân Tây Ninh. Nhiều đoàn kiểm tra đã về tận nơi, nhiều vị tướng đã về tận nơi, nhiều chuyên gia đã tham gia ý kiến… Có lẽ, trong cái ước mơ nhiều người đánh giá là lãng mạn này, sự quan tâm của Bộ Quốc phòng là rất đáng trân trọng. Đáng trân trọng như cái cách mà họ đã trân trọng một ước mơ của hai người nông dân Tây Ninh.
Sáng chế được máy bay hay không, chuyện chắc chẳng ai có thể kết luận hoàn toàn vào lúc này. Thậm chí có thể chiếc máy bay “Hai Lúa” có thể chẳng bao giờ bay nổi lên trời. Nhưng, chí ít rằng trong giấc mơ này, có nhiều điều đáng được trân trọng.
Hồ Xung