Những vụ xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua tại nhà trường có các đặc điểm sau: Việc quản lý trường học còn thực sự lỏng lẻo, nhiều sơ hở. Việc tuyển chọn bảo vệ chưa đúng quy định, thiếu nghiệp vụ. Nhiều trường học chưa được trang bị các phương tiện hỗ trợ cần thiết nên khó phát hiện, đôi lúc còn dễ dãi, để kẻ xấu xâm nhập.
Các đối tượng rất phức tạp, có cả thầy giáo, người làm công tác quản lý học sinh, thanh niên địa phương xâm nhập vào trường học. Lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý cũng như sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của các em học sinh, kẻ xấu dễ dàng thực hiện được hành vi của mình.
Để phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, trong công tác quản lý trường học phải chấn chỉnh đội ngũ nhân viên bảo vệ nhà trường, lựa chọn những người có trách nhiệm, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và có kỹ năng nhận diện, sẵn sàng đối phó với những kẻ cố tình xâm phạm trường học. Giáo viên nên quan tâm giúp trẻ nhận diện đúng đối tượng. Hãy lưu ý với trẻ, trong quá trình giao tiếp, cần phát huy kỹ năng quan sát những biểu hiện bề ngoài như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của người đối diện, để nhận biết có sự nguy hiểm nào rình rập; giữ khoảng cách an toàn hoặc đứng ở nơi đông người để có thể kêu gọi sự giúp đỡ nếu có biểu hiện của sự tấn công, xâm hại bản thân.
Nên đưa ra những tình huống giả định về những biểu hiện của hành vi sàm sỡ, lạm dụng tình dục, để học sinh có thể biết cách tự bảo vệ mình ngay từ khi có những biểu hiện đầu tiên gợi suy nghĩ, lo lắng. Nhà trường cần phối hợp với phụ huynh học sinh để thống nhất trong cách phòng chống xâm hại. Các thầy cô dạy các em biết phòng tránh từ xa nguy cơ bị xâm hại tình dục: không tự ý đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ; không ở trong phòng kín một mình với người khác; luôn ý thức đề phòng, không đến quá gần những người là quản lý, nhân viên nhà trường; không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do...