Các đại biểu tham dự hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, do Bộ LĐTB-XH vừa tổ chức tại TPHCM, cho rằng trên môi trường mạng, không ai bảo vệ trẻ em hiệu quả bằng chính trẻ em. Việc của người lớn là đồng hành, hướng dẫn trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB-XH, chia sẻ, trước đây chúng ta nói thế giới mạng là thế giới ảo, nhưng giờ đây nó không ảo. Một trong các lý do “không ảo” là những hậu quả gây ra tổn hại cho trẻ trên mạng, song lại xảy ra ở đời thực. Cụ thể, các chứng nghiện game đã ảnh hưởng tinh thần, học tập, sức khỏe của trẻ, có trường hợp phải vào viện cấp cứu. Việc đưa thông tin bất lợi cho trẻ em đã dẫn đến những sang chấn tâm lý trẻ. Rồi những tổn hại như xâm hại tình dục trên mạng dẫn tới xâm hại trong đời thực…
“Cần phải nhìn nhận tất cả tổn hại này là có thật và nó biểu hiện trong đời sống thường ngày chứ không phải ảo”, ông Đặng Hoa Nam đánh giá.
Theo Bộ LĐTB-XH, tháng hành động vì trẻ em năm 2018 (tháng 6-2018) có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số. Khi phát hiện mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, cần gọi ngay 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (miễn phí).
Thách thức hiện nay là các thế hệ đi trước như giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ lại không thông thạo công nghệ thông tin bằng chính trẻ em. Một khi trẻ em đã sử dụng máy tính, iPad vào mạng thì mọi hàng rào gần như vô hiệu. Xác định môi trường mạng hiện nay đã trở thành tất yếu, để chung sống an toàn với môi trường mạng, theo ông Đặng Hoa Nam, biện pháp tốt nhất, quan trọng nhất, bền vững nhất chính là hướng dẫn cha mẹ và trẻ em có kỹ năng tự bảo vệ mình. Biết tận dụng tối đa thế mạnh của thế giới số, hạn chế tối đa tổn hại có thể gây ra cho mình - khi trở thành công dân của thế giới số. Chính cha mẹ, giáo viên - những người có vai trò quyết định nhất - thay vì theo dõi, “đột nhập”, can thiệp thô bạo vào các “bí mật” trên mạng của trẻ em, tốt nhất là làm cách nào để trẻ em tự kể, tự chia sẻ. Chính thế hệ đi trước cần học hỏi tích cực để có thể làm bạn, kết nối và bảo vệ trẻ em một cách tốt hơn. Bản thân trẻ em cần học tập, rèn luyện kỹ năng, như “vaccine” tự bảo vệ để trở thành công dân công nghệ số một cách tích cực nhất.
Đồng tình, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Viện Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (MSD) cũng cho rằng, ngoài đẩy cao vai trò của cơ quan chức năng, cần quan tâm trao quyền, kỹ năng cho trẻ em vì không ai bảo vệ các em tốt hơn chính các em. Ông Nguyễn Hoài Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT, gợi ý, các gia đình nên để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được (ví dụ ở phòng ngủ của cha mẹ); kích hoạt các chức năng an toàn cho trẻ em ở hệ điều hành và trình duyệt web; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn (turn on safesearch) với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em. Ví dụ, Qustodio (công cụ quản lý máy tính), KidLogger (công cụ nắm bắt hoạt động của trẻ trên mạng), Zoodles (trình duyệt web an toàn cho trẻ)…