Trăng Đăk Ru

Trăng Đăk Ru

Trăng mười sáu tròn vành vạnh, vừa tối đã hiện lên đầu núi với vẻ đẹp rất hiền dịu mà huyền bí, e ấp sau màn sương the một vẻ buồn thâm u lạnh lùng hoang dã. Song không gian có phần bớt u tịch là nhờ ngọn gió hiu hiu hương rừng đưa trăng hay là trăng gọi gió…

Minh họa: BẢO TRÂM

Minh họa: BẢO TRÂM

Chúng tôi đi trên con đường đất, giữa một bên là triền núi, cà phê lúp xúp chạy lên đồi cao, một bên là triền suối, cà phê lúp xúp chạy thoai thoải xuống lủng thấp. Nhưng non tơ đáng yêu hơn là những cụm vườn cây ăn trái: sầu riêng, mít, chôm chôm…, làm khuôn viên cho từng căn hộ ngói đỏ, vách ván được xây cất khang trang cùng kiểu dáng, kích thước và cách khoảng đều nhau, chạy dọc theo con đường.

Cánh cửa một căn hộ vừa mở, chưa kịp nhìn rõ mặt, cô giáo Ngọc Mai đã tươi cười đon đả chào:

- Em tưởng đâu là các anh hổng tới.

Anh Diêu, chồng cô giáo và con gái là bé Thảo cũng rất vui mừng với khách. Chúng tôi được mời đến chỗ ngồi phải hết sức cẩn thận bước chân bởi cái bóng điện tròn không đủ công suất, lúc sáng, lúc tù mù. Anh Diêu vừa dời cái bóng đèn từ vách ra treo giữa nhà mà nơi đuôi đèn còn thừa khúc dây điện dài, để cơ động tùy theo chỗ treo thích hợp, vừa thanh minh:

- Đập thủy điện 15 KW của nông trang tự cấp, mùa khô nên nước yếu. Tới đây sẽ xây dựng đập Đăk Ru thứ ba, quy mô cấp Nhà nước, cho công suất cao thì tha hồ sáng...

Căn hộ hơn 20m² được bày biện gọn gàng ngăn nắp: phòng khách, phòng ngủ, phòng học, nhà bếp. Phòng khách: vách trên là trang thờ gia tiên, một bên thờ ảnh Cụ Hồ; vách bên phải ngăn với phòng ngủ; vách ngoài, một nửa là bàn làm việc của cô giáo, xếp hàng chồng vở học trò, một nửa là cửa ra vào.

Mặc dù điện một bóng tròn, lúc mờ lúc tỏ, song cô giáo với khuôn mặt thon, mắt trong sáng, môi hồng đầy đặn luôn rạng rỡ nụ cười hồn nhiên đến chẳng cần giữ gìn cái răng sún ở hàm bên phải.

- Em còn hai tuổi nữa đầy bốn chục. Là con của một đại điền chủ Thạnh Phú chớ bộ. Lại có cửa hiệu thuốc Tây ở Bến Tre nữa nghen. Nói chung là con nhà nhung lụa, cô giáo bộc bạch hồn nhiên.

Cô gái xứ gạo trắng nước trong đã dẫn tôi từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác. Tuổi sắp tứ tuần mà trông tươi tắn mỹ miều như dưới ba mươi. Rất nhẹ thênh mà chân thành khi nói về thành phần gia đình, lại còn kể những ngày thơ ấu từng theo cha đi góp lúa ruộng tá điền. Sau 1975, Mai theo học tiếp Đại học Sư phạm Sài Gòn. Vài năm sau ra trường, đi dạy ở Tân Bình, TPHCM. Ít lâu sau, xây dựng gia đình với anh Diêu, sĩ quan Công an thành phố.

- Tụi em còn có những lần vượt biên nữa chớ, cô giáo bỗng bật cười khúc khích, tự giễu cợt mình mà nghe sảng khoái mới kỳ. Tuần trà đã nguội, anh Diêu ngỏ ý mời cà phê và khi chúng tôi nhận lời, anh mừng lắm vì được đãi cà phê nhà trồng.

Trong khi anh Diêu đun nước sôi bằng bếp dầu, lăng xăng lo pha cà phê, cô giáo Mai bấy giờ giọng mới đượm màu tâm sự:

- Sau mấy lần vượt biên không thành, vàng bạc mất hết mà cái gì thuộc phẩm hạnh cao quý đời người cũng mất. Anh Diêu em mới buồn hơn, chỉ vì yêu vợ mà chấp nhận ra khỏi ngành! Còn em thì gia đình “giảm tình thương”!

Nỗi mặc cảm cũng là lòng tự trọng, thà tự thân vận động còn hơn dựa dẫm điền sản của cha, cửa hiệu thuốc Tây của má. Tìm đất mới qua báo chí rồi được gặp chú Chín ở Sở Lao động Thương binh - Xã hội chỉ dẫn, bầu đoàn thê tử chẳng nệ đường xa núi cao, bồng bế nhau vượt qua Đồng Xoài, Bù Đăng, lần lên Đắc Lắc xa lắc. Còn đang tìm đường về nông trang Đăk Ru thì gặp anh Tư, dùng “ngựa sắt” Simson chở tất cả về, cấp cho căn hộ này và một mẫu đất đã trồng cà phê, cấp luôn gạo ăn sáu tháng... Đó là vào năm 199…

- Hồi mới lên đây chưa có đập thủy điện. Đêm thắp đèn dầu tù mù, rắn bò vô nhà không hay. Con suối Đăk Ru chỉ là cái khe ở dưới xa, nên phải đào giếng. Đào trần thân mới có được giếng nước xài, anh Diêu tiếp lời vợ.

Cà phê anh Diêu đã pha xong, hương thơm ngào ngạt. Đúng là hương cà phê Buôn Ma Thuột lừng danh. Khi được hỏi về thu nhập cà phê và đời sống gia đình, anh Diêu vui vẻ trả lời:

- Năm vừa qua, thu được 3 tấn/mẫu, giao cho nông trang, còn đi làm thì được trả lương, năng suất cao được thưởng.

- Ảnh hái cà phê giỏi lắm. Ngoài ra còn làm kinh tế gia đình như nuôi gà, heo, trồng trọt. Khởi đầu gian nan, nỗi ám ảnh đâu chỉ là rắn rít. Là nỗi sợ sốt ác tính, nỗi buồn nhớ cố hương, nỗi lạnh đêm đông. Như các anh biết rồi đó. Đây là cái thung lũng, hoàng hôn xuống là bốn bề núi rừng tuôn ra sương mờ bao phủ. Yếu bóng vía ngồi nhìn một hồi bắt rùng mình, tưởng đâu ma thiêng quỷ quái toan nuốt chửng mình. Phải nói, anh Tư, Phó Giám đốc nông trang, đến với tụi em như người anh ruột thịt. Chừng các thầy cô dạy ở trường ngại nước độc rừng sâu lần lượt bỏ về hết, học trò cũng bỏ học hết, anh Tư mới bảo em ra dạy. Buổi đầu gom lại được có tám em học lớp một. Lớp một mà cũng nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, có em đến 16 tuổi. Các em đều nghèo, sống lang bạt... nên vào lớp quậy phá, đánh lộn, chửi thề. Qua một thời gian dạy dỗ, các em rất ngoan, bắt được con cá, bắn được con chim, cũng đem cho cô giáo, hái được lá sâm hoặc tìm được phong lan rừng cũng đem tặng cô giáo, cô Mai nhớ lại.

Chúng tôi đến thăm cô giáo không hề do các anh giám đốc giới thiệu đâu. Tình cờ tôi gặp một em bé trai chăn bò, vừa đọc sách. Thấy tôi, em xếp sách, khoanh tay cúi đầu thật sâu chào. Và em trả lời tôi bằng giọng mềm mỏng rất dễ thương. Em tám tuổi, học lớp hai. Cô giáo em một mình dạy cho cả trường là năm lớp. Rồi em kể: từ 7 giờ đến 9 giờ cô dạy lớp một... Từ 9 giờ đến 11 giờ cô dạy lớp hai... Buổi chiều từ 1 giờ đến...

Cô giáo nở nụ cười mãn nguyện, xác định học trò mình nói rành, chỉ bổ sung sĩ số toàn trường. Lớp một đông nhất và không đồng học lực nên chia làm nhiều lớp…

Cô giáo và chồng lưu luyến tiễn chúng tôi qua ngang dàn phong lan đang nở hoa chen chúc nhiều sắc màu thắm đẵm sương mượt mà ánh trăng khuya trong ngần, hương thơm ngào ngạt. Lại một lần nữa, cô giáo Mai đòi tặng chúng tôi mỗi người một cặp gà. Gà rẫy thịt ngon nổi tiếng. Chúng tôi viện cớ hành trình còn dài, từ chối nhưng lòng lại thầm mong, nếu cô giáo tặng phong lan thì hẳn không chối từ... Nhưng điều đó không xảy ra cũng dễ hiểu, bởi mỗi giò lan là một dấu ấn kỷ niệm của học trò tặng cô. Tình cảm đáng trân trọng ấy có lẽ nào sang tay cho ai khác.

Khi qua ngang sân trường cô giáo dạy, chúng tôi cùng hướng nhìn xuống đập thủy điện quy mô cấp quốc gia đang thi công, dòng suối Đăk Ru uốn lượn chạy dài lên thượng nguồn như dải lụa trăng lấp lánh. Ánh trăng lung linh đáy nước, dạ quang sắc màu kỳ ảo hài hòa tiếng suối reo đêm về khuya rì rầm giai điệu rừng thiêng...

THANH GIANG

Tin cùng chuyên mục