Tránh bẫy?

Vậy là cuộc không kích của phương Tây xuống Libya đã bước sang ngày thứ 4. Những tưởng việc lật đổ nhà lãnh đạo Libya, đại tá Muammar Gaddafi, sẽ do người dân thực hiện, theo gương của Tunisia và Ai Cập, nhưng rốt cuộc lại từ bên ngoài dội vào. Nhưng cũng 4 ngày trôi qua kể từ khi bắt đầu, Paris, London và Washington vẫn chưa thống nhất được vị trí chỉ huy cho các chiến dịch, một tình huống chưa từng có trong lịch sử quân sự.

Trên lý thuyết, từ Kosovo tới Iraq, Afghanistan hay châu Phi, tất cả mọi chiến dịch quân sự đa quốc gia thời gian gần đây đều được thực hiện dưới lá cờ chỉ huy của LHQ, Mỹ hoặc NATO, EU. Chiến dịch quân sự ở Libya hiện nay là ngoại lệ. Đến giờ phút này, theo như phát ngôn viên Laurent Teisseire của Bộ Quốc phòng Pháp, “không có bộ tham mưu trung ương. Mỗi nước có bộ tham mưu riêng và cùng hành động theo kiểu phối hợp”. Một nhà phân tích quân sự châu Âu nhận định “chưa bao giờ trong lịch sử cận đại, Mỹ chấp nhận trao quyền chỉ huy cho một quốc gia khác ở cấp độ chiến lược”.

Cho dù đã phóng hơn 100 tên lửa Tomahawks và dội bom xuống Libya, Mỹ vẫn tuyên bố muốn nhường vai trò chủ đạo trong các chiến dịch cho châu Âu và sẽ sớm diễn ra “trong những ngày tới”. Sau khi chuyển giao trách nhiệm, người Mỹ sẽ cung cấp, hỗ trợ các thiết bị quân sự, kể cả máy bay tiếp dầu và các trang thiết bị điện tử. Mỹ không loại trừ sẽ vẫn tham gia không kích nhưng không giữ vai trò chủ đạo.

Đâu là mục tiêu thật sự và ý định của Mỹ trong cuộc xung đột này?

Ngay từ đầu, Tổng thống Mỹ B.Obama đã nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực vượt ngoài mục tiêu rõ ràng theo quy định của LHQ nhằm bảo vệ dân thường Libya”. Nhưng dù có lý do nào đi nữa, giới chính khách Hoa Kỳ rõ ràng bị chia rẽ trước vấn đề Libya.

Xét toàn diện, Mỹ vốn đang sa lầy trong 2 cuộc chiến tranh và nay lại càng không thể tự cho phép mình đơn phương trong việc can thiệp vào một quốc gia Hồi giáo. Giảm thiểu tối đa gánh nặng trên vai là điều Mỹ mong muốn.

Suy cho cùng, nếu không kích không thành, Mỹ sẽ phải “nhảy” vào các vùng cát sa mạc và rồi các lực lượng can thiệp quân sự sẽ bắt buộc phải ở lại địa bàn để kiểm soát vùng đất chiếm đóng. Điều này có nghĩa quyết định can thiệp quân sự quốc tế ngắn hạn sẽ dần dần biến thành dài hạn và sa lầy, giống như Iraq và Afghanistan.

Trong trường hợp này, ví như ở vai trò chỉ huy, Tổng thống Obama sẽ phải vất vả đi tìm nguồn tài chính và quân sự để phục vụ cho quyết định tham chiến trên một mặt trận mới thuộc “chảo lửa” - điều khó khả thi trong bối cảnh thất nghiệp, lạm phát tràn lan hiện nay. Uy tín của ông Obama nói riêng, của Mỹ nói chung sẽ tụt dốc thê thảm. Hơn nữa, ngoài lý do dầu lửa, Mỹ cũng có những cam kết quân sự với thế giới Arập.

Người Pháp trong chuyện này lại được xem như “những anh hùng thật sự” khi khơi mào cuộc không kích. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng Pháp hành động như vậy trong bối cảnh uy tín của ông Sarkozy xuống mức thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận trong nước. Nhưng điều trớ trêu là uy tín của ông Sarkozy lại xuống thấp hơn sau cuộc không kích đầu tiên.

Học giả Lucio Caraccio, chủ biên của Tạp chí Limes (Ý) chuyên về tình hình chính trị quốc tế cũng coi can thiệp vào Libya là “mắc bẫy”. Như vậy, sau những tuyên bố hùng hổ ban đầu, bên cạnh những dầu lửa, vũ khí hay dân chủ, phải chăng Washington thận trọng không muốn trực tiếp dính vào chuyện này cũng chỉ vì muốn tránh “mắc bẫy”? 

LÊ VÂN

- Thông tin liên quan:

>> Dinh thự của ông Gaddafi trúng tên lửa

>> Báo Le Mond: Phương Tây thu thập thông tin tình báo của Libya một thời gian dài

>> Những mốc quan hệ căng thẳng

>> Cuộc chiến Libya sẽ kéo dài?

Tin cùng chuyên mục