Tranh cãi về “cooling break”

Bản hùng ca Costa Rica

Thời gian “cooling break” (tạm dịch: nghỉ làm mát) lần đầu tiên trong lịch sử được áp dụng tại một trận đấu World Cup, ở trận đấu giữa Hà Lan và Mexico trên sân Fortazela. Đã có rất nhiều phản ứng xung quanh sự kiện này, bao gồm cả quan điểm chỉ trích FIFA đã làm mất đi tính hấp dẫn đặc biệt của bóng đá, nhất là sau khi công nghệ goal-line tương tự như môn quần vợt được áp dụng tại World Cup 2014. Người ta cho rằng bóng đá phải khác bóng chuyền, bóng ném… nên không thể nào dừng trận đấu được.

HLV Van Gaal (áo trắng) chỉ đạo Sneijder trong thời gian “cooling break”.

HLV Van Gaal (áo trắng) chỉ đạo Sneijder trong thời gian “cooling break”.

Trên thực tế, “cooling break” chỉ là một trong nhiều trường hợp mà trọng tài được phép dừng trận đấu theo luật FIFA chứ không phải là một điều luật mới mẻ hay đặc biệt gì. Nó tương tự các biến cố như chấn thương, có vật hay người chạy vào sân, điều kiện sân bãi không tốt cho thi đấu…

Theo luật FIFA, nếu nhiệt độ trong sân bóng trên 32oC và độ ẩm trên 68% thì “cooling break” được trọng tài áp dụng tại các thời điểm phút 30 và 75, mỗi lần 3 phút và được cộng vào thời gian đá thêm. Các thông số thời tiết sẽ được đo theo tiêu chuẩn có tên là Wet Bulb Globe (WBG) và được xác định bởi Tiểu ban Y tế FIFA trong mỗi trận đấu trước khi thông báo cho trọng tài. Chuẩn  WBG không chỉ tính nhiệt độ mà còn bao gồm những yếu tố như gió, độ ẩm, tầm nhìn, thời điểm…

Như vậy, kể cả khi nhiệt độ lên đến 39oC nhưng các yếu tố khác chưa đạt chuẩn WBG thì trọng tài cũng không áp dụng “cooling break”.

Vì chi tiết này thường không được nhắc đến trong điều lệ các giải nên vừa qua, một tòa án lao động tại thủ đô Brasillia đã ra phán quyết, buộc FIFA phải cho cầu thủ nghỉ hơn 30 phút giữa các trận đấu để uống nước khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 30°C và nếu FIFA không thực hiện sẽ bị phạt 90.000 USD/trận. FIFA không đồng ý vì theo chuẩn WBG, họ khẳng định chưa có trận nào vượt quá 28°C cả, không thể lấy thiết bị đo nhiệt độ bình thường để đánh giá ảnh hưởng của thời tiết đối với cầu thủ vì trên thực tế, tại World Cup 2010 ở Nam Phi, nhiệt độ còn cao hơn nhiều nhưng không xảy ra tình trạng cầu thủ bị mất nước do độ ẩm quá cao tại Brazil lần này.

Tóm lại, điều luật “cooling break” được áp dụng tại trận đấu Hà Lan - Mexico là trường hợp hi hữu, do trọng tài quyết định hoàn toàn chứ không phải vì FIFA nghe theo tòa án hay cố ý làm biến dạng môn chơi số 1 hành tinh như các nhận xét cảm tính của người hâm mộ.

Vấn đề là không phải ai cũng nắm rõ luật lệ của FIFA, nên mới có chuyện các thành viên đội Mexico cũng như các CĐV nước này phản đối FIFA đã “tạo điều kiện” cho Hà Lan gỡ hòa và thắng vào giờ cuối.

Ngược lại, chính HLV đội Hà Lan, ông Van Gaal, thừa nhận vì nắm rất rõ “cooling break” nên trước trận đấu, Hà Lan đã đề nghị được áp dụng và bản thân ông đã lợi dụng điều đó để chuyển đấu pháp từ 4-3-3 sang 3-4-3 sau thời gian “cooling break” ở phút 75. Van Gaal thừa nhận: “Đúng thế, chính 3 phút nghỉ đó đã giúp tôi dễ dàng hơn trong việc thay đổi chiến thuật. Làm gì có cơ hội để cầu thủ nắm bắt sự thay đổi tốt bằng cơ hội đó chứ”.

CHU NGỌC


Bản hùng ca Costa Rica

Khi Michael Umana sút thành công quả luân lưu quyết định, giúp Costa Rica làm nên lịch sử lần đầu tiên vào tứ kết World Cup, họ là minh chứng hùng hồn cho thấy sự lãng mạn và điều kỳ diệu trong bóng đá vẫn tồn tại, ngay cả khi thế giới bóng đá ngày càng mang tính thực dụng.

Trước khi quả phạt đền của Umana ghi một kết cục đẹp cho Costa Rica, chính Navas mới là người viết những chương quan trọng nhất. Anh đứng vững trong suốt 120 phút, có nhiều pha cứu thua xuất sắc trước khi đẩy được quả luân lưu của Theofanis Gekas. Với những người hâm mộ La Liga, họ sẽ không ngạc nhiên trước sự thể hiện của Navas, bởi thủ thành đang chơi cho Levante là một trong những người gác đền hay nhất giải Tây Ban Nha mùa bóng trước.

Tổng kết La Liga, Navas đã có 160 pha cứu thua, giữ trắng lưới 16 lần và chỉ để lọt lưới 39 bàn sau 38 vòng đấu, một thành tích phi thường nếu biết Levante là một trong những đội yếu nhất. Màn trình diễn của Navas tại World Cup thực chất chỉ là sự kéo dài của những điều kỳ diệu mà thôi.

Navas nói: “Tôi chỉ nghĩ về đồng đội của mình, gia đình mình trong những thời khắc khó khăn. Tôi không muốn ai phải cảm thấy thất vọng về mình. Tôi cố làm một người bố tốt, một người bạn tốt”. HLV Jorge Luis Pinto của Costa Rica nói: “Tôi tin anh ấy là một trong những thủ môn hay nhất thế giới. Khi trận đấu bước vào loạt đấu súng, tôi biết đội nhà sẽ thắng”.

Costa Rica chỉ còn 10 người trong suốt 2 hiệp phụ. Nhưng dù Hy Lạp có gia tăng sức ép, họ cũng không thể khuất phục được Navas trong khung thành, để giữ vững tỷ số 1-1 đến hết giờ đấu thêm. Đỉnh cao của màn trình diễn này là phút thứ 113 khi Navas đổ người cản cú sút của Lazaros ở khoảng cách chỉ 13 mét.

Bản hùng ca Costa Rica đã khởi đầu tuyệt đẹp với trận thắng Uruguay, tiếp nối với chiến thắng trước Italia, giành ngôi đầu bảng D và bây giờ được Navas tô điểm thêm một chương chói sáng. Họ sẽ mang tinh thần vô tư, không có gì để mất ấy vào trận đấu với Hà Lan ở vòng tứ kết.

YÊN THANH

Tin cùng chuyên mục