Tranh cãi về GMO

Nhật Bản và Hàn Quốc vừa đưa ra thông báo ngừng nhập khẩu lúa mì của Mỹ sau khi phát hiện loại lúa mì biến đổi gene (GMO) chưa qua kiểm định đã được trồng tại bang Washington.

Nhật Bản và Hàn Quốc vừa đưa ra thông báo ngừng nhập khẩu lúa mì của Mỹ sau khi phát hiện loại lúa mì biến đổi gene (GMO) chưa qua kiểm định đã được trồng tại bang Washington.

Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ cấm mua bán tất cả lúa mì trắng sử dụng cho thực phẩm của Mỹ cho đến khi kiểm tra được các lô hàng cập cảng Nhật Bản. Ngoài ra, Tokyo cũng đình chỉ phân phối tất cả số lúa mì đã mua của Mỹ đến khi việc kiểm tra được tiến hành. Trong khi đó, Hàn Quốc, thị trường lớn thứ 5 của lúa mì Mỹ, cũng đình chỉ việc phân phối lúa mì, đồng thời cho biết sẽ đẩy mạnh các biện pháp kiểm dịch đối với lúa mì xay xát và sử dụng cho thức ăn có nguồn gốc từ Mỹ.

Như vậy, thêm một lần nữa, kể từ năm 2013, Nhật Bản dừng nhập khẩu lúa mì từ Mỹ. Vào thời điểm đó, cùng một số nước tại châu Á khác, Tokyo không nhập khẩu lúa mì trong nhiều tháng sau khi phát hiện một chủng loại lúa mì GMO của Monsanto (không được chấp nhận thương mại hóa) tại một trang trại ở Oregon. Sau đó 1 năm, một nhóm các loại lúa mì công nghệ sinh học cũng do Monsanto phát triển được tìm thấy ở gần một cơ sở nghiên cứu cây trồng của Đại học Montana. Kể từ đó, Nhật Bản và nhiều nhà nhập khẩu khác trên thế giới thường xuyên kiểm tra các lô hàng lúa mì xuất xứ từ Mỹ.

Nỗi lo của Nhật Bản hoàn toàn dễ hiểu khi các loại cây trồng GMO vẫn đang là đề tài tranh cãi nóng bỏng trên thế giới, chứ chưa kể đến những giống cây chưa được cấp phép. Năm ngoái, 15/28 quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại bỏ các sản phẩm nông nghiệp GMO ra khỏi toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ. Trước đó, EU cũng đã cấm 70 dòng sản phẩm GMO bao gồm thực phẩm cho người, thức ăn gia súc và các loại hoa GMO. Điều này cho thấy thế giới chưa sẵn sàng chấp nhận thực phẩm GMO.

Rất nhiều nghiên cứu tiếp tục chỉ ra rằng, thực phẩm GMO tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe con người về mặt độc tố, dị ứng, chức năng miễn dịch, sức khỏe sinh sản, sinh lý, gene... Bên cạnh đó, nghiên cứu của Trường ĐH Sherbrooke của Canada còn tìm thấy protein trừ sâu Cry1Ab trong mẫu máu của 94% các bà mẹ, 80% các bào thai và  69% những phụ nữ không mang thai có ăn thực phẩm GMO. Chưa hết, chất độc liên quan tới thực phẩm GMO có thể truyền sang thế hệ sau. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng tìm thấy lượng nhỏ độc tố Cry1Ab trong dạ dày, ruột của động vật ăn bắp GMO. Điều này làm dấy lên quan ngại độc tố có thể không được loại bỏ hoàn toàn ở người và việc sử dụng thịt nhiễm độc tố có thể tiềm ẩn rủi ro cao.

Đầu tháng 7 vừa qua, báo chí thế giới đưa tin 107 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đã đồng ký tên một lá thư chỉ trích Tổ chức Hòa bình xanh vì phản đối quan điểm cây lương thực GMO của nhóm này. Nội dung bức thư yêu cầu tổ chức môi trường trên phải dừng chiến dịch vận động chống phổ biến loại gạo GMO (được gọi là golden rice), được cho là tạo ra nhiều tiền chất vitamin A giúp chống bệnh tật và suy dinh dưỡng ở các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng, để đảm bảo chống suy dinh dưỡng chỉ có giải pháp là chế độ ăn uống lành mạnh và phong phú. Đây chỉ là một trong rất nhiều những tranh cãi trên thế giới về thực phẩm, cây trồng GMO.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục