Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Washington ngày 18-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Nhật Bản cương quyết giữ nguyên quan điểm và hiện trạng thực tế quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của Nhật Bản và do Nhật Bản quản lý nhưng ông khẳng định Nhật Bản không có ý định khiêu khích Trung Quốc.
Mỹ ủng hộ Nhật Bản
Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản là hòn đá tảng trong chính sách của Mỹ tại khu vực châu Á. Bà Clinton cũng tái khẳng định Mỹ sẽ đứng bên cạnh đồng minh lâu đời trong tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và mặc dù Mỹ không đưa ra quan điểm về chủ quyền của quần đảo này nhưng Mỹ thừa nhận quần đảo đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Bà Clinton nói: “Chúng tôi chống lại mọi hành động đơn phương nào nhằm làm suy yếu quyền kiểm soát của Nhật Bản ở quần đảo này và chúng tôi thúc giục tất cả các bên thực hiện các bước đi giảm căng thẳng, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình”.
Về việc ngày càng có nhiều máy bay và tàu của Trung Quốc vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masasru Sato cho biết: “Tần suất và quy mô của những hành động khiêu khích của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Phía Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự hiện có bằng cách cưỡng ép và hăm dọa”.
Ngoại trưởng Kishida nói ông hoan nghênh lập trường của Mỹ. Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết Thủ tướng Shinzo Abe mặc dù có quan điểm cứng rắn về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngay từ khi vận động bầu cử nhưng “Nhật Bản sẽ có đối sách bình tĩnh không khiêu khích Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Clinton thông qua người đồng cấp Nhật Bản mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Mỹ vào tuần lễ thứ ba của tháng 2.
Giao tranh - sẽ thiệt hại lớn về kinh tế
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc tiếp xúc với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama ngày 16-1 tại Bắc Kinh, ông Giả Khánh Lâm, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cho rằng hai nước “nên bắt tay giải quyết vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm đảm bảo ổn định trong quan hệ song phương”. Quan điểm của ông Giả Khánh Lâm đã được cựu thủ tướng Nhật Bản tán đồng.
Tuyên bố của ông Giả Khánh Lâm được xem là hòa dịu đã thu hút ngay sự chú ý của các nhà quan sát vì ông trở thành lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc công khai đưa ra lời kêu gọi đàm phán. Từ trước tới nay, ít có quan chức Trung Quốc nào đưa ra quan điểm mềm mỏng như vậy và hầu hết cho rằng Nhật Bản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng.
Tuy nhiên, người phát ngôn nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ Nhật Bản không đồng ý với quan điểm trên và xem quan điểm của ông Hatoyama không phản ánh quan điểm của chính phủ Nhật Bản. Cho đến nay, Nhật Bản đã kiên quyết từ chối những lời kêu gọi đàm phán trên các hòn đảo, vì Tokyo cho rằng mình có chủ quyền chính đáng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, lại là nước đang kiểm soát quần đảo này trong thực tế, do đó không có gì để thương lượng và khẳng định không có tranh chấp chủ quyền quần đảo trên.
Theo giới phân tích, lập trường cương quyết của Tokyo sẽ không thay đổi trong thời gian dài, vì lẽ Thủ tướng Abe và đảng Dân chủ Tự do đang cần củng cố vị thế trước cuộc bầu lại Thượng viện Nhật Bản, do đó sẽ không thể nào tỏ vẻ mềm mỏng đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Báo China Daily của Trung Quốc ngày 18-1 dẫn lời ông Mã Kiến Đường, Chủ nhiệm Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản phát triển sẽ có lợi cho cả hai nước cũng như kinh tế toàn cầu. Trong năm 2012, thương mại hai chiều Trung - Nhật giảm 3,9%, còn 329,45 tỷ USD, Nhật Bản từ vị trí đối tác thương mại thứ tư của Trung Quốc xuống vị trí thứ năm. Báo South China Morning Post xuất bản tại Hồng Công, Trung Quốc cho rằng nếu hai nước xảy ra xung đột, dù cho ở quy mô nhỏ, thiệt hại về người có thể được hạn chế nhưng thiệt hại về kinh tế của cả hai phía sẽ vô cùng lớn và ảnh hưởng tồi tệ đến kinh tế toàn cầu.
Khánh Minh (tổng hợp)