Cuộc tranh luận đầu tiên giữa ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton sẽ diễn ra vào tối 26-9 (giờ địa phương) tại Đại học Hofstra, New York. Mặc dù chủ đề chính của cuộc tranh luận là “Phương hướng của nước Mỹ” và “Đạt đến thịnh vượng”, song những gì xảy ra sau 2 vụ đánh bom tự chế ở Manhattan và New Jersey làm hàng chục người bị thương đã khiến vấn đề an ninh trở thành vấn đề nóng hàng đầu. Trong cuộc tranh luận, bà Clinton và ông Trump dự kiến dành ít nhất 30 phút, tức 1/3 thời lượng để tranh luận về vấn đề an ninh.
An ninh của nước Mỹ từ sau sự kiện 11-9 luôn là đề tài quan trọng trong các cuộc tranh cử nhưng trong năm bầu cử này lại càng được cử tri quan tâm nhiều hơn. Chỉ trong vòng 10 tháng qua, nước Mỹ đã chứng kiến 4 vụ tấn công liên quan đến khủng bố gồm 2 vụ nói trên, vụ xả súng tại hộp đêm ở Orlando, bang Florida làm 49 người chết, 53 người bị thương ngày 12-6 và xa hơn là vụ xả súng ở San Bernardino, bang California làm 14 người chết và 22 người bị thương nặng vào tháng 12-2015.
Truyền hình CNBC của Mỹ dẫn lời ông Trump cho rằng, sở dĩ khủng bố đe dọa trở lại nước Mỹ là do quyết định của Tổng thống Barack Obama rút hết quân khỏi Iraq trong năm 2011 dẫn đến khoảng trống quyền lực, tạo điều kiện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra đời. Ông Trump cũng cho rằng, bà Clinton chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của IS trong thời điểm bà làm Ngoại trưởng Mỹ. Phía bà Clinton thì cho rằng, nhiều phát ngôn của ông Trump đã được IS và các tổ chức khủng bố khác chộp lấy vì họ cho đó là lời tuyên chiến với Hồi giáo hơn là cuộc chiến chống khủng bố.
Chỉ còn 7 tuần nữa đến cuộc bầu cử, kế hoạch chống khủng bố tấn công nước Mỹ sẽ có tác động lớn đến không những cử tri mà cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Theo những gì bà Clinton và ông Trump đưa ra về kế hoạch chống khủng bố, người ta thấy có sự thay đổi. Theo tờ Los Angeles, những tuyên bố về hành động chống khủng bố của bà Clinton có vẻ mạnh hơn so với truyền thống của đảng Dân chủ. Bà Clinton từng kêu gọi lập vùng cấm bay ở Syria, ném bom IS nhiều hơn cũng như kêu gọi phối hợp chặt chẽ hơn với Thung lũng Silicon trong việc nâng cao khả năng do thám của Mỹ. Trong khi ông Trump lại đi ngược lại xu hướng những người của đảng Cộng hòa khi phản đối việc can thiệp quân sự ở nước ngoài để chống khủng bố. Ngoài ra, cho đến nay, ông Trump chưa đưa ra một chính sách chống khủng bố cụ thể nào để có thể làm an lòng cử tri trong bối cảnh nỗi sợ hãi khủng bố đang tăng lên ở Mỹ. Hơn thế nữa, ông Trump còn tỏ ra nghi ngờ việc Mỹ tham gia NATO. Những ngày gần đây, ông Trump còn tỏ ra thù hận với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell (cùng thuộc đảng Cộng hòa) khi hai người này gọi ông là “nỗi hỗ thẹn quốc gia và tầng lớp hạ đẳng quốc tế” theo như tiết lộ nội dung e-mail tư nhân của 2 ông này bị hacker công bố.
Tờ Los Angeles Times dẫn lời cựu quan chức tình báo Evan McMullin, người đang tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập cho rằng, về vấn đề chống khủng bố, cử tri đang cần “người có kinh nghiệm, tính quyết đoán và khả năng đánh giá tình hình”. Theo ông, căn cứ những tiêu chí này, bà Clinton vẫn còn thiếu, còn ông Trump thì không hề có.
HUY QUỐC