(SGGPO).- Đề thi môn ngữ văn kỳ tốt nghiệp THPT ngày 2-6-2013 yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của em Nguyễn Văn Nam (em Nguyễn Văn Nam - Học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương I (Nghệ An) dũng cảm hy sinh khi cứu 5 em nhỏ thoát khỏi chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều 30-4-2013) đã được dư luận đánh giá là một đề văn hay, mang tính nhân văn cao, khiến thí sinh xúc động.
Trong 2 ngày qua, hầu hết ý kiến trong cộng đồng mạng cũng bày tỏ sự trân trọng đối với đề văn này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều trong cộng đồng cho rằng, hành động xả thân cứu người đáng tôn vinh nhưng liệu thầy cô, cha mẹ có khuyến khích học sinh, con em mình cứu người cả khi biết nguy hiểm đến tính mạng? “Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam” là câu hỏi đã được một số người, trong đó có giáo viên đặt ra. Tuy câu hỏi này bị nhiều ý kiến cho là đáng buồn, đi xa vấn đề mang tính giáo dục nhưng cũng gây nhiều suy nghĩ.
Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời phóng viên SGGP Online xoay quanh tranh cãi này.
* Phóng viên: Ông có suy nghĩ gì về nhận định “ai dám khuyến khích học trò sống như Nam”?
* Ông Trịnh Ngọc Thạch: Tôi cho đây là vấn đề không nên đặt ra. Bản thân em Nam khi lao xuống dòng sông cứu bạn cũng mong là mình được sống chứ, em ấy đâu có muốn chết. Nhưng trong tình huống bất khả kháng, Nam đã phải hy sinh. Vì thế nhận định của ai đó nói rằng Nam không lường sức mình khi cứu người là không đúng. Em hy sinh trong tình huống không thể chống cự với sóng nước, chứ không phải em ấy bất chấp hy sinh bản thân mình khi cố cứu người. Nam là một tấm gương đáng để chúng ta trân trọng, tôn vinh.
* Trong khi cả xã hội đều đang xúc động về tấm gương hy sinh của Nam, việc Bộ Giáo dục – Đào tạo ra đề Văn này được dư luận đánh giá cao. Ông có thấy những ý kiến trái chiều như vậy có gì đó bất nhẫn?
* Tôi cho tranh cãi như thế là phản cảm đấy, nó làm kích động thêm, khoét sâu thêm nỗi đau của gia đình. Cực chẳng đã em mới phải hy sinh.
* Bố của em Nam cũng đã trả lời báo chí rằng, cứu người là hành động bản năng của em Nam?
* Đúng thế. Bất cứ ai trong tình huống đó mà biết bơi đều cũng sẽ lao xuống cứu người chứ không phải riêng em Nam. Bất cứ ai khi cứu người cũng với ý thức mình được sống chứ không ai muốn mình phải chết. Vì thế, nhóm nào mà đưa ra ý kiến như vậy tôi cho là không nên, không đúng với tinh thần dũng cảm của em Nam.
* Ông đánh giá gì về việc Bộ Giáo dục – Đào tạo lần đầu tiên đưa vào đề Văn mở một nhân vật thật, con người thật, một câu chuyện rất mới, vừa mới xảy ra trong cuộc sống?
* Tôi đánh giá rất cao việc Bộ Giáo dục – Đào tạo ra đề văn như thế. Nó đã gắn với thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Chúng ta đều biết, cuộc sống hàng ngày hiện nay có nhiều gian nan, vất vả, nhiều vấn đề bức xúc thì những tấm gương như thế là rất đáng trân trọng. Và việc chúng ta đưa được những tấm gương đó vào trong văn học, vào trong đề thi là rất tốt, chính là dịp để kiểm tra nhận thức, kỹ năng sống của học sinh, nhất là trong bối cảnh hiện nay, kỹ năng sống đang là vấn đề báo động trong học đường. Bởi thế, tôi cho đây là đề thi rất hay. Kỹ năng sống của giới trẻ phải được giáo dục như thế. Giới trẻ hiện nay rất cần được lay động bởi những tấm gương như thế, vì hiện nay sự hy sinh mình cho người khác có thể nói là hiếm trong cộng đồng. Nói cách khác, giới trẻ hiện nay thậm chí sống ích kỷ, nên việc khơi dậy những tấm gương xả thân vì người khác, vì cộng đồng theo tôi là nên đáng trân trọng.
PHAN THẢO
>> Ngày đầu thi tốt nghiệp Trung học phổ thông diễn ra an toàn, nghiêm túc