
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của họa sĩ Bùi Xuân Phái (1988-2008), con trai ông - họa sĩ Bùi Thanh Phương - giới thiệu cuốn sách mới xuất bản: “Bùi Xuân Phái và con đường hội họa”. Mặc dù cuốn sách chỉ tải một phần nhỏ trong gia tài hàng trăm tác phẩm của Bùi Xuân Phái, nhưng anh Phương cho biết, hình ảnh trong cuốn sách là những bức tranh tiêu biểu trong cuộc đời nghệ thuật của ông.
Thật-giả khôn lường
Anh Phương khẳng định, bản chụp các bức tranh in trong cuốn sách đều từ tranh gốc của cha anh. Anh và nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã tuyển chọn và biên tập cuốn sách này, nhằm tôn vinh những giá trị thực của tranh Phái, trong thị trường tranh hỗn độn hiện nay. Ngoài tranh, cuốn sách còn có bài viết của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn giới thiệu những giá trị nghệ thuật của tranh Bùi Xuân Phái, tiểu sử nghệ thuật Bùi Xuân Phái, do họa sĩ Bùi Thanh Phương biên soạn.

Hà Nội những năm 1970 -1980 trong tranh của Bùi Xuân Phái.
Năm ngoái, cuốn sách có ảnh chụp 140 bức tranh gốc của họa sĩ Bùi Xuân Phái do họa sĩ Văn Dương Thành và nhà sưu tập David Haines ở Singapore tuyển chọn, được xuất bản ở nước ngoài. Tập hợp tương đối phong phú tác phẩm của Bùi Xuân Phái, người sưu tập cũng quả quyết những bức ảnh này được chụp từ tranh gốc của Bùi Xuân Phái.
Trong đó, 1/3 là chân dung Văn Dương Thành, còn lại là chân dung vợ họa sĩ Bùi Xuân Phái, các con và chân dung bạn bè của họa sĩ lúc sinh thời, như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi… Bà Thành còn cho in bài viết trong cuốn sách này với tựa đề “The story behind the work” (Câu chuyện phía sau tác phẩm)… Toàn bộ bản chụp trong cuốn sách này là từ số tranh do bà Thành sở hữu, đã được mua bảo hiểm và bảo quản trong kho của nhà sưu tập David Haines ở Singapore.
Tuy chưa được xem cuốn sách của bà Thành, nhưng trả lời câu hỏi Họa sĩ Văn Dương Thành có phải là người sưu tập được nhiều tranh Phái nhất hiện nay, anh Phương cho biết: “Cứ cho bà Thành là người có nhiều tranh của bố tôi, điều đó càng làm danh giá thêm tranh của Bùi Xuân Phái mà thôi”.
Cuốn sách của bà Thành xuất bản ở nước ngoài nên trong nước chưa có nhiều người biết. Vậy, trường hợp bức ảnh chụp cùng một bức tranh, đều được khẳng định là tranh thật của Bùi Xuân Phái, được đưa vào cả hai cuốn sách này, mà tác giả của những cuốn sách đều khẳng định đang sở hữu các bức tranh, thì đâu là tranh thật, đâu là tranh chép? Có nhiều cuốn sách có sự… trùng hợp như vậy, dù các bức ảnh chụp ở hai bức tranh khác nhau! Vậy sách nào đăng tranh thật, sách nào đăng tranh giả?
Là một trong những tác giả có tác phẩm bị sao chép và làm “nhái” nhiều nhất, nên tranh của Bùi Xuân Phái đôi khi bị... mất giá. Tranh Phái đã trở thành mô-típ phổ biến, được sao chép thành nhiều bản và bày bán khắp nơi, nên thật giả khôn lường. Tranh Phái không chỉ được người yêu tranh trong nước sưu tập mà người nước ngoài cũng rất ưa chuộng. Nhưng cả khi tranh được trưng biển của Bùi Xuân Phái tại các cuộc đấu giá ở nước ngoài thì có người vẫn mua phải tranh giả…
Dũng cảm “xuất chiêu” chống tranh giả
Vì vậy, việc đưa tranh vào sách được coi là một trong những cách hữu hiệu để xác định tranh thật. Khi có bản chính để đối chiếu thì biết ngay tranh giả, dẫu chỉ là bản chính qua... ảnh. Rất nhiều nhà phê bình mỹ thuật, rồi các họa sĩ có tên tuổi, đặc biệt là người thân của các danh họa được mời chào với số tiền khá hậu hĩnh, chỉ để đứng bên một vài bức tranh của danh họa để chụp ảnh. Bức ảnh này được đưa vào các cuốn sách về danh họa, kèm theo là đôi dòng về kỷ niệm với người quá cố, với bức tranh…
Có người dũng cảm từ chối vì biết việc chụp ảnh và phát biểu để đăng trong những cuốn sách như vậy là “nối giáo cho giặc”. Nhưng có không ít người đã vô tình đồng phạm để “hợp thức hóa” tranh giả bằng cách này. Họa sĩ Văn Dương Thành cho biết, có những tổ chức, cá nhân nước ngoài… đề nghị trả cho bà nhiều tiền để “làm mẫu” bên những bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, nhưng bà từ chối. Họa sĩ Tô Ngọc Thành - con trai danh họa Tô Ngọc Vân - cũng khước từ những lời mời như vậy, về những bức tranh được coi là của Tô Ngọc Vân, và những người bạn của ông lúc sinh thời…
Tranh càng nổi tiếng thì càng có nhiều bản chép, có khi là bản chép của chính họa sĩ lúc còn sống (dĩ nhiên, bản đầu luôn được coi là quý giá). Vì vậy, những người sở hữu các bản chép luôn muốn “nâng cao giá trị của tác phẩm” bằng cách này hay cách khác. Không chỉ để bộ sưu tập cá nhân thêm ý nghĩa, nhưng mục đích của việc “chứng minh tranh thật” này, thường là đem bán với giá cao ngất ngưởng.
Tranh Phái và hệ lụy tranh chép còn là một câu chuyện dài. Ngay cả giới sưu tầm cũng bị “nhiễu” thông tin khi đứng trước các tác phẩm nổi tiếng của ông. Những người có kinh nghiệm thẩm định tranh có thể nhận biết được những bức tranh thật dựa vào chất liệu thuốc, bột màu… dùng để vẽ hay loại toan mà các họa sĩ thường dùng ở thời điểm bức tranh ra đời… Tuy nhiên, số này không nhiều và không phải ai cũng… dũng cảm “xuất chiêu”.
HOÀNG THẮNG