Tránh vỏ dưa…

Ba năm trước, giai đoạn đầu kinh tế thế giới bị suy thoái, các doanh nghiệp (DN), nhất là DN chế biến và xuất khẩu cá tra tự tin cho rằng đây là dịp để sản phẩm cá tra chiếm thêm thị phần tại thị trường châu Âu nhờ giá cả phù hợp với người tiêu dùng phổ biến ở đây. Điều đó có phần đúng nhưng khi khu vực đồng euro gặp khủng hoảng nợ công thời gian qua đã tác động mạnh đến việc xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng cá tra. Từ là khu vực tiêu thụ lớn nhất sản phẩm cá tra đông lạnh của Việt Nam, thời gian qua, sản lượng xuất khẩu sang các nước EU giảm tới 2 con số.

Trong bối cảnh đang khốn đốn vì phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng, sắp đến giai đoạn đáo nợ, DN buộc lòng phải bán phá giá cá tra, khiến giá xuất khẩu giảm mạnh. Giá xuất khẩu sang EU hiện còn khoảng 2,7 USD/kg, so với 3,2USD/kg trước đó, mặc dù giá bán tại siêu thị trên 10 USD/kg. Dù vậy, do thị trường tiêu thụ chậm, sức mua giảm nên dù DN chào mức giá nào các nhà nhập khẩu đều không mua.

Các DN nhận định, dù sức mua có thể hồi phục vào những tháng cuối năm nhưng không mạnh do thị trường vẫn còn khó khăn. Vì vậy, các DN phải chuyển hướng sang thị trường khác, trong đó khả dĩ nhất là Mỹ, thị trường lớn thứ 2 sau EU. Đây từng là thị trường lớn nhất của mặt hàng cá tra, ba sa đầu những năm 2000 trở về trước, giai đoạn khởi thủy của việc xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, do nhiều DN chuyển hướng tập trung xuất khẩu vào thị trường này nên gây thêm áp lực cung và cầu.

Để bán được hàng, DN giảm giá, làm cho giá xuất vào đây giảm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cảnh báo, việc nhiều DN chuyển hướng xuất khẩu cá tra sang Mỹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu ngành thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) không tổ chức liên kết giữa các DN để bảo vệ quyền lợi chung sẽ dễ dẫn đến tình trạng DN xé rào, giảm giá bán, cạnh tranh lẫn nhau để giành khách hàng, tạo cơ hội cho nhà nhập khẩu ép giá.

Nhưng mối nguy lớn hơn là khi có sự tăng trưởng nóng về kim ngạch và số lượng với giá rẻ, Hiệp hội Cá nheo Mỹ viện vào lý do này để cáo buộc DN thủy sản Việt Nam tiếp tục bán phá giá. Điều này các DN có thể bị áp mức thuế chống bán phá giá cao hơn trong các kỳ xem xét hành chính lần sau mà Mỹ vẫn đang áp dụng với mặt hàng cá tra Việt Nam.

Nếu điều này xảy ra, cá tra Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa do chính DN Việt Nam tạo ra. Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, đây sẽ là áp lực rất lớn trước những rào cản và tranh chấp thương mại giữa cá tra Việt Nam và cá da trơn của Mỹ.

Chính vì điều này, vừa qua, VASEP và 30 DN xuất khẩu cá tra hàng đầu (chiếm hơn 80% lượng cá tra xuất khẩu) đã họp để bàn về biện pháp ổn định trên thị trường xuất khẩu cá tra, đặc biệt là Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng nên có giá sàn với mục đích đưa giá cá tra về đúng giá trị thực.

Trong đó, người nuôi và DN nằm trong chuỗi liên kết, đều có lợi nhuận, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khiến giá giảm, chất lượng sản phẩm đi xuống.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục