Tyson Gay trở thành VĐV điền kinh thứ ba của Mỹ (sau huyền thoại Carl Lewis và Maurice Greene) lập thành tích đoạt 3 HCV ở cùng một giải VĐTG, sau khi cùng các đồng đội về nhất cự ly chạy tiếp sức 4x100m với thành tích 37 giây 78. Gay không chạy đợt cuối mà ở đợt ba. Anh giải thích đó là chủ trương của HLV để giúp Mỹ chiếm ưu thế và “chúng tôi chẳng gặp vấn đề gì”.

Gay (bìa phải) suýt quật tay vào mặt đồng đội Spearmon.
Thật ra thì có vấn đề: Khi Wallace Spearmon sắp trao gậy thì tay Gay lại giương lên quá gần và suýt đập vào mặt anh, Spearmon phải chộp tay đồng đội để bảo đảm Gay nắm được gậy. Gay lao đi rồi trao gậy tốt cho LeRoy Dixon, người đua với kỷ lục gia thế giới 100m (9 giây 77) Asafa Powell của Jamaica ở đợt cuối cùng và giành chiến thắng. Đây là chức vô địch thứ 7 của đội đua tiếp sức tốc độ Mỹ sau 11 giải thế giới. Họ chưa bao giờ bị loại vì đánh rớt gậy, nên Gay nói đây là cú trao gậy tệ nhất (không kể lần suýt không trao được gậy đợt đầu ở vòng loại giải thế giới 2005). Jamaica đoạt HCB và Anh đoạt HCĐ.
Trước đó, Gay đã đoạt hai HCV ở cự ly tốc độ 100 và 200m (9"85 và 19"76). Lewis đoạt 3 HCV các giải 1983, 1987 ở các nội dung 100m, 100m tiếp sức và nhảy xa. Greene đoạt 3 HCV năm 1999 ở 2 cự ly tốc độ và 4x100m tiếp sức. Lewis còn đoạt 4 HCV ở Olympic mùa hè 1984.
Đội hình nữ của Mỹ cũng thắng cự ly 4x100m tại sân vận động Nagai ồn ào tiếng cổ vũ của 50.000 khán giả, với thành tích 41"98. Jamaica đoạt HCB và Bỉ đoạt HCĐ. Tay đua Mỹ Allyson Felix sau khi lần thứ hai đoạt HCV cự ly 200m nữ (21"81) lần đầu tiên chạy tiếp sức ở một giải lớn. Cô còn có thể đoạt HCV thứ ba ở cự ly tiếp sức 4x400m nữ. Cho đến nay chỉ có Marita Koch của Đông Đức đoạt 3 HCV tại giải thế giới 1983.
Đoàn Mỹ còn có Brad Walker hạng nhất môn nhảy sào (5m86), và Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng tạm thời với tổng cộng 22 huy chương, gồm 11 HCV. Nga xếp thứ nhì với 13 huy chương gồm 4 HCV và Kenya đứng thứ ba với 11 huy chương gồm 4 HCV. Catherine Ndereba (Kenya) vô địch marathon lần thứ hai (sau lần đầu năm 2003) sau 2 giờ 30’37", nhanh hơn số 1 thế giới Zhou Chunxiu của Trung Quốc 8 giây. Reiko Tosa kém 10 giây đoạt HCĐ và là chiếc huy chương đầu tiên của Nhật Bản tại sân nhà Osaka.
Các kết quả khác: Roman Sebrle (CH Séc, kỷ lục thế giới và vô địch Olympic 10 môn phối hợp) cuối cùng có chức VĐTG với 8.676 điểm. Nhì là Maurice Smith của Jamaica (8.644 điểm) và ba là Dmitriy Karpov (Kazakhstan, 8.586 điểm). Meseret Defar (Ethiopia) vô địch cự ly 5.000m (14’57"91). Đồng hương Cheruiyot và Priscah Jepleting Cherono đoạt HCB và HCĐ.
Anh Thao