Tham dự diễn đàn có: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017; bà Lakshmi Puri, Phó Giám đốc điều hành tổ chức Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các bộ trưởng, trưởng đoàn đến từ 21 nền kinh tế APEC và khách mời, cùng đông đảo đại biểu, doanh nhân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khu vực APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức. Đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều trong lực lượng kinh doanh và làm chủ doanh nghiệp (97% phụ nữ làm chủ trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50% - 80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20% - 50% GDP trong các nền kinh tế APEC). Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhìn nhận, quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ. Phó Chủ tịch nước mong muốn trong đối thoại lần này, các đại biểu và diễn giả sẽ cùng nhau thảo luận sâu hơn để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp của các nền kinh tế thành viên trong khu vực APEC, để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là trong kỷ nguyên số. “Hãy cùng hy vọng với nỗ lực của tất cả chúng ta, một ngày nào đó sẽ không còn bất cứ rào cản, định kiến nào đối với phụ nữ. Số lượng nữ lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế sẽ chiếm đến 50% và cao hơn nữa… Để có thể biến những mục tiêu thành hiện thực, mỗi cá nhân trong xã hội, cả nam giới và phụ nữ, cả khu vực công và khu vực tư đều cần thực sự hiểu về khả năng và vai trò phụ nữ, đều chia sẻ và hỗ trợ phụ nữ, giúp họ có thể đóng góp cho nền kinh tế của quốc gia, dân tộc và cho toàn xã hội. Mỗi nền kinh tế cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở phát lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có thể xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định.
Trong khi đó, bà Lakshmi Puri, Phó Giám đốc điều hành tổ chức Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho rằng, Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC là một nền tảng rất quan trọng để thúc đẩy mở cửa, trao quyền cho phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi rất năng động. “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ là đầu tư thông minh và đây là vấn đề cần chia sẻ nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm. Phụ nữ có thể làm tốt hơn nếu được trao quyền và được hỗ trợ”, bà Lakshmi Puri nhìn nhận.