Cuối tháng 8, 2 tuần hè của học sinh Nhật Bản sắp chấm dứt. Tiết trời vẫn nóng nhưng đã giảm nhiệt nhờ bầu không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho mùa tựu trường. Nơi tôi sống, Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi động đất và sóng thần vừa rồi, có khác đôi chút.
Hơn 10 năm trước, khi mới theo chồng qua Nhật, cuộc sống của tôi rất yên bình vì may mắn lấy một anh chồng bác sĩ nên tôi chỉ dành ít thời gian trong tuần để dạy tiếng Nhật ở một trung tâm cho du học sinh. Tôi có khá nhiều thời gian rảnh rỗi để làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ.
Sendai - nơi tôi sống được gọi là “thành phố xanh” vì màu xanh cây cỏ phủ kín khắp trong nhà ngoài ngõ. Độ tuổi trung bình của người dân chỉ khoảng 38, nên đây cũng là một trong những thành phố trẻ nhất xứ Phù tang. Mỗi buổi chiều, tôi hay ngắm nhìn con trai 8 tuổi chơi bóng chày với lũ bạn. Nhưng những khung cảnh như trên đã hết kể từ ngày 11-3. Sau thảm họa kép, chồng tôi là một trong 54.000 tình nguyện viên đang nỗ lực khôi phục lại quê hương.
Ngoài nỗi lo thảm họa có thể lặp lại bất cứ lúc nào, điều tôi băn khoăn hơn cả là sự an toàn cho con trai. Trước đây, giới hạn phơi nhiễm phóng xạ mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra là 20 millisieverts/người/năm. Con số này áp dụng cho cả người lớn lẫn trẻ con. Đây là mức độ tiếp xúc phóng xạ tối đa với những người lao động trong các cơ sở hạt nhân ở nhiều nước. Chồng tôi nói trẻ em có nguy cơ ung thư (nhất là ung thư tuyến giáp) và bị dị tật cao do thể chất đang phát triển. Liệu con tôi và bao trẻ con khác có chịu được lượng phóng xạ ấy không?
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, trường con tôi đang học và nhiều trường khác đều không cho học sinh chơi các môn thể thao ngoài trời hoặc vùng vẫy trong nước bể bơi nữa vì lo ngại phóng xạ. Nhưng tôi vẫn lo lắm vì mấy ngày trước báo chí đã đưa tin lượng phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bằng 168 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Với ngần ấy chất phóng xạ caesium-137 thì phải mất bao nhiêu năm nữa con trai tôi mới có môi trường vui chơi trong lành?
Theo thống kê mới đây, 70% người dân Nhật Bản mong muốn một đất nước tương lai phi hạt nhân. Cho đến hôm 26-8, tôi mới biết cũng vì chung nỗi lo này mà rất nhiều bậc phụ huynh đã kiến nghị khắp nơi, buộc chính phủ phải hạ giới hạn phơi nhiễm phóng xạ đối với trẻ em là dưới 1 millisieverts/năm. Riêng trẻ em ở thành phố Fukushima, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã hạ con số này xuống còn 0,534 millisievert/năm.
Trước khi tuyên bố từ chức, cựu Thủ tướng Naoto Kan có nói “chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để mang lại một môi trường an toàn cho các em như trước đây”. Mới đây, lễ hội Tanabata (ngày Thất Tịch 7-7 Âm lịch là Ngày tình yêu trong văn hóa phương Đông) vẫn diễn ra rất ấn tượng ở Senda.
Sóng thần và động đất đã phá hủy nhiều thứ nhưng truyền thống văn hóa vẫn còn mãi. Mong sao Chính phủ Nhật Bản, cho dù dưới sự lãnh đạo của ai đi nữa, cũng sẽ hành động hết mình vì môi trường an toàn cho các em, để kỷ niệm tuổi thơ của trẻ em vùng Đông Bắc này sẽ không chỉ là nỗi sợ hãi với thiên nhiên…
LAN ANH