Trẻ em ở Đông Mai sẽ được dùng miễn phí thuốc thải độc

(SGGP).- Liên quan tới việc hàng trăm trẻ em ở làng nghề thu gom, tái chế ắc quy chì Đông Mai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) bị nhiễm độc chì, TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết: Dự kiến vào giữa tháng 12 tới, ngành y tế sẽ tiến hành đào thải chì miễn phí cho trẻ em làng Đông Mai bằng chế phẩm Pectin complex.

Đây là một sản phẩm của Ukraine, giúp ngăn chặn và đào thải các ion kim loại nặng, chất phóng xạ, thuốc trừ sâu và các ô nhiễm hữu cơ khác ra khỏi cơ thể, là thuốc giải độc chì và kim loại nặng đầu tiên được đưa về Việt Nam.

Theo kế hoạch, 378 trẻ em làng tái chế chì Đông Mai sẽ được sử dụng sản phẩm này trong thời gian 2 tháng, sau đó được xét nghiệm lại nồng độ chì trong máu. Tuy nhiên, TS Doãn Ngọc Hải cũng cảnh báo, điều trị thải độc chì hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng không bền vững. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ, sau khi điều trị thải độc xong, nếu trẻ lại quay về sống ở môi trường ô nhiễm thì lại bị tái nhiễm. Do đó, ngành y tế khuyến nghị chính quyền địa phương phải có quy hoạch lại làng tái chế chì.

Được biết mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cùng Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đã có cuộc họp bàn và đưa ra phương án điều trị thải chì cho trẻ em làng Đông Mai. Tại cuộc họp, bác sĩ Khúc Chí Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm, cho biết hiện tại một số hộ dân (trong số 13 hộ còn lại của làng Đông Mai) đang sản xuất, tái chế chì xen lẫn trong khu dân cư đã di chuyển ra cụm công nghiệp để loại trừ hoàn toàn chì ra khỏi môi trường sinh sống hàng ngày của người dân.

Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hưng Yên cũng đang tìm biện pháp di dời bãi rác ở làng nhưng việc này đang gặp khó khăn về kinh phí. Do đó, tình trạng ô nhiễm chì vẫn ở mức đáng báo động. Kết quả kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí, mẫu rau tại làng Đông Mai cao nhiều lần cho phép, đặc biệt mẫu nước lấy tại kênh và rãnh thoát nước vượt 1.000 lần mức cho phép.

Đáng chú ý, kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì trong máu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường giữa năm 2015 cho 618 người dân địa phương (283 người lớn, 335 trẻ em) thì có tới 207 trẻ bị ngộ độc chì với nồng độ chì máu từ 10 - 44,9 µg/dL. Đối với người lớn có tới 99,1% người lao động có nồng độ chì máu >10 µg/dL.

Theo các chuyên gia, trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, trí nhớ. Khi bị nhiễm độc chì nặng, chì tấn công não và hệ thống thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật và thậm chí tử vong. Trẻ em sống sót sau nhiễm độc chì nghiêm trọng có thể để lại di chứng chậm phát triển tâm thần và rối loạn hành vi.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục