Đã lâu lắm rồi, những trò chơi trẻ thơ dân dã như năm mười, chi chi chành chành, rồng rắn lên mây, ốc vít ốc tán, ô ăn quan, đánh banh đũa, bịt mắt bắt dê… không còn thấy xuất hiện trong đời sống của trẻ em như ngày xưa. Thay vào đó, các em thích thú đến mê mệt, đắm đuối vào những trò chơi giải trí hiện đại, chất chứa đầy tính bạo lực.
Nhắc đến hồi ức đẹp thời thơ ấu, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi sân chơi bổ ích, thú vị dành cho trẻ em đang ngày càng teo tóp. Trong đời sống, các trò chơi dân dã ấy đã gần như mất hẳn, ngoại trừ một số trò quen thuộc được thể hiện ở một số chương trình liên hoan, ca múa nhạc thiếu nhi, hay được tổ chức trong một số dịp lễ, hội. Thực tế, cuộc sống tất bật đã khiến nhiều gia đình ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con trẻ. Còn thường nhật, bậc cha mẹ và các em vốn phải hối hả học hành, đưa đón con cái từ sáng đến tối mịt nên thời gian vui đùa của các em theo thời thế cứ bị rút ngắn dần. Sân chơi giải trí lành mạnh ngày càng hiếm nên vào những ngày nghỉ cuối tuần, số đông các em bị chìm đắm với các trò chơi điện tử, online.
Đáng báo động là đa số các trò chơi điện tử được các em thích thú say mê luôn chất chứa tính bạo lực cao với những cảnh bắn súng, đánh đấm, chém giết với hình ảnh đầy máu me, xác người - súng đạn dao kiếm vương vãi… Các trò chơi do người lớn sáng chế ấy đã khiến bao tâm hồn thơ trẻ dần thay đổi, trở nên hung hăng, tính tình nóng nảy, cáu bẳn, dễ manh động. Thêm vào đó, “đầu độc” những tâm hồn bé thơ còn có rất nhiều món đồ chơi bạo lực bắn giết, khủng bố… được bày bán công khai, đầy rẫy trên thị trường. Trong quá khứ đã có nhiều vụ án hình sự mà hung thủ rất ít tuổi thừa nhận do ảnh hưởng từ những trò chơi điện tử bạo lực. Học sinh ngày nay cũng dễ xung đột, ẩu đả với nhau hơn với những nguyên nhân rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày.
Những người tham gia kinh doanh các loại hình vui chơi giải trí phục vụ đối tượng trẻ em ngày nay không thể chỉ biết lo cho quyền lợi cá nhân mà quên đi trách nhiệm chung dành cho cộng đồng và đặc biệt là với đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng. Riêng với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có những hành động kịp thời ngăn chặn tình trạng phổ biến các trò chơi bạo lực, vô bổ, phản nhân văn đã và đang lan truyền ngày càng rộng trong đời sống cộng đồng dân cư, trong sinh hoạt vui chơi của trẻ em. Mặt khác, cần phải quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện để các loại hình giải trí lành mạnh dành cho trẻ thơ như các trò chơi dân gian được gầy dựng lại, phát huy, nhân rộng…
THÚY BÌNH