Cứ mỗi mùa đông, nhất là những ngày giá rét, Mẫu Sơn thường được nhắc tới nhiều lần trong các bản tin thời tiết như là một trong những điểm lạnh nhất nước ta. Có hôm rét đậm, rét hại, đài báo Mẫu Sơn có tuyết, truyền hình phát hình băng giá phủ đầy cành cây, hình dân chúng miền xuôi khoác măng-tô, mũ chụp tai lên Mẫu Sơn đón tuyết… Tôi ở miền Nam những ngày đó nắng vàng rực rỡ, mai nở đầy cành càng háo hức được một lần xem tuyết rơi xuống nước ta. Nhưng tuyết chỉ rơi xuống trong một vài ngày, thậm chí vài giờ, người Hà Nội “phục kích” mãi còn không gặp tuyết, tôi ở Sài Gòn có hy vọng chi? Thôi chỉ còn cách lên đỉnh Mẫu Sơn một lần cho biết.
Có dịp ra Hà Nội, tôi được cô bạn cho mượn xe, tự đổ xăng mà đi. Quý hóa quá! Tôi và nhà văn Lê Phương rời Hà Nội vào một ngày đông mây mù, nhằm hướng Lạng Sơn trực chỉ. Chiều chơi động Tam Thanh, sáng hôm sau, chúng tôi lên Mẫu Sơn. Đường đèo quanh co, gấp khúc, tôi có cảm giác xe khó đi hơn lên Tam Đảo. Nhưng bác tài vốn là dân lái xe Trường Sơn nên chúng tôi cứ yên tâm mà ngắm cảnh. Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng Đông-Tây, cách TP Lạng Sơn 30km về phía Đông, giáp với biên giới Việt - Trung, là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày.
Từ TP Lạng Sơn có thể nhìn thấy núi Chóp Chài, ngọn núi có hình chóp nón rất đẹp, đứng riêng lẻ, xa xa ở vùng Văn Lãng - Đồng Đăng. Truyền thuyết kể rằng có người cha đi đánh giặc, khi trở về bị kẻ xấu thường chim chuột vợ mình không được nên vu cho một người hiền lành tên Chóp Chài. Người cha ghen tuông mù quáng giết chết vợ. Những giọt máu đào của người mẹ đổ xuống đã rải đỏ trên các triền núi mỗi độ xuân về, thấm trên những cánh hoa bích đào đỏ thắm trong sương mù huyền ảo.
Sau nhiều giờ dằn xóc, uốn lượn quanh co qua những vách đá, những vực sâu, có lúc như luồn trong mây mà chạy, xe lên đến đỉnh núi. Không khí thật trong lành, mát lạnh. Chúng tôi vào nhà khách giải lao. Cô phục vụ vui vẻ hỏi khách dùng thức gì. Lê Phương nói đùa, muốn ăn đào Mẫu Sơn. “Các bác thật sành đặc sản vùng này nhưng rất tiếc là mùa đào chưa tới”, cô phục vụ cho biết. Đào Mẫu Sơn nổi tiếng trong thiên hạ không chỉ bởi vị thơm ngon mà có lẽ cũng vì vẻ đẹp tuyệt diệu của những cánh hoa và cái cách phát triển đặc biệt độc đáo của trái đào: hình thành quả từ sau khi hoa rụng, trái đào đỏ rực như trái ớt chín, khi lớn lên chúng mới dần trở nên hồng nhạt.
Uống xong tuần trà, người ấm lên, chúng tôi đi ngắm cảnh. Các phế tích của những ngôi biệt thự cũ do người Pháp xây dựng từ những năm 1935 - 1940 vẫn còn là những nét rất độc đáo trong các bức ảnh chụp của tôi. Ở núi Mẫu hiện còn phế tích của một ngôi đền cổ, cột bằng những tảng đá liền khối, được gọt đẽo và dựng trên nền đá từ rất lâu. Đưa mắt nhìn rộng ra, những ngọn núi mọc cao lên, mang tên núi Cha, núi Mẫu, núi Con, núi Cháu.
Chúng tôi về nhà khách ăn trưa, tất nhiên rượu Mẫu Sơn thì lúc nào cũng có. Vùng núi Mẫu Sơn có hơn chục dòng suối chảy từ khu vực đỉnh núi xuống xung quanh và đều chảy vào sông Kỳ Cùng. Thứ nước nguồn này làm nên sự nổi tiếng của rượu Mẫu Sơn, làm nên chất lượng tuyệt hảo của chè Mẫu Sơn. Đặc biệt trên núi Mẫu Sơn có một loại chanh cây to trái nhỏ rất ngon, nếu đem muối cùng măng ớt hoặc muối không sẽ trở thành một loại gia vị có hương thơm đặc biệt. Ai đã dùng một lần sẽ không quên được hương vị tuyệt vời quyến rũ của nó. Bây giờ, khách đến thăm Mẫu Sơn có thể được thưởng thức nhiều sản vật tự nhiên của núi rừng như mật ong khoái, bọng ong còn nguyên sữa ong non, nấm hương, ếch hương, trà rừng xanh, đặc biệt là chè Shan tuyết rất nổi tiếng.
Trong bữa ăn, khách có thể gọi các món su su luộc, canh ngót rừng, hoa chuối rừng; có thể mua những sản vật theo mùa được bà con bày bán trên đỉnh núi như đào, đu đủ, khoai sọ, nấm hương… Còn hoa đào độc đáo của Mẫu Sơn thì từ nhiều năm qua đã được đưa về Hà Nội cho người chơi tết. Sắc đào trong như thủy tinh, hương đào ngan ngát mùi núi rừng, đào chuông, bông màu hồng thắm, hình chuông và nở thành chùm, với sức sống mãnh liệt vượt trên thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết:
Mẫu Sơn ngày nay đã có ánh đèn điện sáng lung linh về đêm, song trong mờ mịt sương mù, vẫn luôn có lời đồn rằng qua tiếng rền rĩ của gió, văng vẳng lời khóc than của người cha sau khi giết nhầm người vợ yêu quý của mình. Càng về khuya, tiếng gió càng thảm thiết, nhất là những khi gió mùa Đông Bắc tràn về mang giá rét và có khi mang tuyết rơi trắng xuống đỉnh Mẫu Sơn…
Trần Thanh Giao