Tản văn

Trên dòng Hương ký ức

Trên đất nước Việt Nam có nhiều dòng sông, tiêu biểu của ba miền là sông Hồng -sông Cửu Long - sông Hương. Sông Hương bé nhất như tình ca “Hội trùng dương” mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết “Em xinh em là cô bé tên là Hương Giang, đêm đêm soi bóng trăng vàng mà ca…trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm cho đau thương…”. Nhưng con sông có sắc nước trong xanh đó lại ẩn chứa biết bao tình, để tạo cho Huế có danh hiệu “Huế thơ Huế mộng”.

Thơ mộng còn do các tài danh du khách ngang qua, tức cảnh sinh tình, hạ sinh nhiều tác phẩm có dấu ấn của dòng Hương ký ức. Du khách quốc tế cùng du khách quốc nội còn tiếp tục đến, sản phẩm thơ ca mới từ dòng sông ký ức sẽ còn thăng hoa. Nhân Huế vào mùa festival, sau đây là ghi lại những tinh hoa của thơ ca du khách, những tài danh thi ca làm khách lạ trên một phần đất nước mình.

Nếu lữ khách Cao Bá Quát nhìn dòng Hương theo chiều thẳng đứng “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” thì du khách Nguyễn Bính lại nhìn dòng Hương theo chiều ngang “Sông Hương như suối tóc xanh mượt mà-Cầu Trường Tiền như chiếc lược ngà chải trên làn tóc biếc”. Phần lớn du khách thơ ca du thuyền trên sông Hương với tâm cảm đa sầu như Nguyễn Du “Hương Giang nhất phiến nguyệt-Kim cổ hứa đa sầu”, với Văn Cao thì chỉ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế-Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”.

Sông Hương và núi Ngự Bình được nhắc đến trong lời bài hát Ai ra xứ Huế sáng tác bởi nhạc sĩ Duy Khánh:

Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ xin trở về
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì viết:
Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say ...

“Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu:

Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo...
Trăng lên trăng đứng trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng


Còn Diễm xưa của Trịnh: Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...

Và Diễm đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng.

Và cuối cùng là hai câu chắc nịch của Bùi Giáng: Dạ thưa, đến Huế bây giờ. Vẫn là núi Ngự bên bờ sông Hương. Vẫn thế, nhưng lung linh, thay đổi lạ thường. 

LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục