Tôi đến Amsterdam vào sáng tinh mơ ngày cuối tuần, theo một tua đi bụi, sau đêm gà gật trên xe từ Paris sang. Ông già hướng dẫn khách rải ở các khách sạn. Ông chỉ tay ra phía vụng biển bảo tôi:
- Me-xừ có thấy cái bảng hiệu Amstel Botel kia không? Me-xừ sẽ trú ở đấy…
Đó là một khách sạn nổi khá sang đậu ngay trên vịnh biển của trung tâm thành phố, cạnh Sea Palace, cái nhà hàng nổi mà tôi đã xem ảnh trong sách hướng dẫn du lịch với dòng chữ: Ai đến Amsterdam mà chưa vào Sea Palace coi như chưa biết Amsterdam! Phòng gọn gàng, tiện nghi đầy đủ và cửa sổ mở ra vụng biển có đàn thiên nga bơi lờ lững trên mặt nước trong xanh. Tôi xách cái ba-lô nhỏ đựng vật dụng cần thiết và thức ăn mang theo sẵn đi dạo phố.
Điều khác biệt lớn nhất giữa Amsterdam với Paris hay Bruselles là kênh rạch chằng chịt khắp trung tâm thành phố. Cả buổi sáng, tôi đi dọc theo những con đường mà một bên là nhà phố, quán xá, còn một bên là kênh. Lòng kênh không rộng nhưng nước sạch, trong xanh. Chừng vài trăm mét, lại có một cầu bắc ngang kênh. Những canô nhỏ chở khách du lịch ngược xuôi êm đềm trên mặt nước. Thành phố rất biết khai thác, nhấn mạnh nét đặc thù sông nước của mình. Khắp nơi, có các mỏ neo, vật dụng đồ sộ của những con tàu biển cổ xưa đặt rải rác như những tượng đài kỷ niệm ở bên đường, ở quảng trường, ở những công viên nho nhỏ, gợi nhớ cuộc sống của dân Amsterdam từ thuở xa xưa...
Tôi ngồi lên một chiếc mỏ neo to tướng, bóng đen màu gang cũ thầm nghĩ: bảo tàng thế này thật là một ý tưởng độc đáo, rất gần gũi với dân chúng, với đời thường... Tôi nhớ những người Viking, còn gọi là Normans (người phương Bắc, đến từ Scandinaves) thế kỷ VIII đến XII đã cưỡi thuyền vượt biển chinh phục cả vùng Bắc và Nam châu Âu... Tôi đọc sử Pháp nhớ thời Normans chiếm cả vùng Bắc nước Pháp còn tên gọi đến ngày nay là vùng Normandie.
Điểm đặc biệt nữa là khu trung tâm Amsterdam có rất nhiều xe đạp (tôi không hề thấy xe gắn máy). Người đi xe đạp lượn lách điệu nghệ trên đường dành riêng. Và khắp nơi, xe đạp tựa đầy gốc cây, thành cầu, bờ tường... Có những chiếc xích vào thành cầu, có chiếc bỏ chỏng chơ... Cũng có chỗ gửi xe tập trung hàng trăm chiếc treo lơ lửng
Trời chiều mát mẻ, tôi lững thững đi dọc ven biển, chụp hình đàn thiên nga dập dờn giỡn sóng, nền xa bên kia là nhà Bảo tàng biển. Tôi leo lên tàu Nêmô; một công viên bêtông rộng mênh mông, cao sừng sững. Tầm nhìn thật tuyệt diệu và gió biển mặn mà ve vuốt mái tóc ta...
Hoàng hôn dần xuống trên vụng biển. Tôi theo chiếc cầu gỗ rẽ vào Sea Palace kẻo mang tiếng là đến nơi mà “chưa biết Amsterdam”. Một cô gái mặc xường xám nở nụ cười, cúi rạp mình chào tôi. Tôi cẩn thận hỏi bằng tiếng Anh: “Ở đây có mì Trung Quốc chứ?”. Cô đáp: “Xin mời vào bên trong”. Tôi ngập ngừng một chút rồi bước vào. Một cô tiếp viên kéo ghế mời tôi ngồi, rồi mang menu đến. Tôi dò tìm món mì nước, không thấy; chỉ thấy các món ăn đều đắt tiền.
Tôi hỏi lại: “Không có mì à?” - “Vâng, sẽ có!” - “Vậy giá bao nhiêu?” - “Ông chờ cho một chút”. Cô chạy vào bếp. Tôi thoáng nghĩ: Mì ở đây chắc chắn dở hơn mì Chợ Lớn rồi vì rõ là họ đâu có chuyên. Lát sau, cô chạy ra, rút bút viết số 12 EUR trong lòng tay chìa tôi xem. Tôi buột miệng kêu vì thoáng hiện ra trong đầu con số hơn 300.000 VND: “Đắt quá!”. Cô sững lại, vẻ mặt lúng túng, rồi quay đi. Tôi cũng đứng dậy, từ từ cất bước ra khỏi Sea Palace... Nhưng xin lỗi, tôi phản xạ theo thói quen chứ đã vào đây là chấp nhận đắt đỏ rồi, tuy nhiên thay vì mời mọc, cô đã bỏ khách mà đi... Tôi tự cười thầm: đằng nào thì mình cũng đã biết Amsterdam, vì… có vào Sea Palace (!).
Mặt trời lặn sau dải mây bồng bềnh, nhà hàng rực rỡ đèn như một cung điện Trung Hoa xưa trên vụng biển.
Trần Thanh Giao