Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát xít
Trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ II, các nước Đức, Ý, Nhật đã tiến hành một số cuộc chiến tranh chuẩn bị: Nhật xâm lược Trung Quốc, Ý xâm lược Ethiopia và Albania, Đức thôn tính Áo (1938) và Tiệp Khắc (1939).
Chiến tranh thế giới thứ II thực sự bắt đầu bằng việc Đức xâm lược Ba Lan (1939). Để cải thiện thế chiến lược của mình, Liên Xô đưa quân vào các vùng Tây Ukraine, Tây Belarus, vùng Baltic và vào Phần Lan nhằm chặn thế tiến công của Đức về phía Đông. Sau đó, Đức chiếm các nước Bắc Âu và Tây Âu (Đan Mạch, tháng 4-1940; Na Uy, 6-1940; Hà Lan, 5-1940; Bỉ, 5-1940 và nửa miền Bắc nước Pháp vào tháng 6-1940); tiến hành chiến dịch Na Uy (từ tháng 4 đến tháng 6-1940), buộc một số nước Trung Âu phải phục tùng và hợp tác với Đức (Romania, tháng 10-1940; Hungary, 11-1940; Bulgaria, 3-1941).
Chính phủ Pháp bại trận xin rút khỏi chiến tranh (6-1940), chịu để Đức chiếm đóng. Tuy vậy, ở Luân Đôn, De Gaulle vẫn thành lập một chính phủ “Nước Pháp tự do”. Đức dùng không quân tàn phá nước Anh nhưng do tổn thất lớn và có ý đồ chuyển chiến tranh sang phía Đông nên phải bỏ dở. Để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới, Đức đánh chiếm Bắc Phi (thay Ý, 1941), Nam Tư (4-1941), Hy Lạp (6-1941). Sau khi tạo được thế chiến lược có lợi, tháng 6-1941 Đức tấn công Liên Xô. Đến đây, chiến tranh đế quốc đã chuyển thành chiến tranh chống phát xít. Trong vòng nửa năm, Đức đã tiến đến tuyến Leningrad (7-1941), Tây Mátxcơva (10-1941), Rostov (11-1941). Nhưng chỉ đến đây, chiến tranh chớp nhoáng của Đức đã bị chặn lại và kế hoạch Barbarossa đã cơ bản thất bại (12-1941). Trên chiến trường châu Á, chiến tranh Trung - Nhật phát triển chậm: đến cuối 1941, Nhật mới chiếm được vùng Đông Bắc Trung Quốc và một dải hẹp ở ven biển, mặc dù đã được Pháp chịu cho sử dụng bàn đạp Đông Dương. Tháng 12-1941, Nhật tiến công Pearl Harbor đồng thời mở rộng chiến tranh xuống Đông Nam Á, chiếm bán đảo Malaysia, Hong Kong (12-1941), Indonesia (3-1942), Philippines (5-1942) và một số đảo khác của Mỹ ở Thái Bình Dương. Thái Lan tham gia chiến tranh Thái Bình Dương về phía Nhật (1942). Các trận tấn công thắng lợi của Nhật ở Thái Bình Dương kết thúc vào giữa năm 1942 với trận đổ bộ lên Aleutian (6-1942). Nhật bắt đầu thất bại ở Guadalcanal (7-1942). Cũng từ giữa 1942, các cuộc tấn công của phe Trục ở châu Âu và Bắc Phi đều bị chặn lại.
|
Từ cuối 1942, phe Đồng minh phản công rồi tấn công, bắt đầu bằng trận phản công Stalingrad (11-1942 đến 2-1943), cuộc đổ bộ lên Bắc Phi (11-1942) và chiếm lại các đảo Guadalcanal (2-1943), Aleutian (8-1943). Với chiến cuộc Ý (7-1943), khối Trục bắt đầu rạn nứt, Ý rút khỏi chiến tranh. Đến giữa 1944, quân Đức đã bị đuổi ra khỏi lãnh thổ Liên Xô. Quân Anh - Mỹ đổ bộ vào Pháp (6-1944), mở mặt trận thứ hai ở châu Âu. Từ đây, Mỹ - Anh kết hợp với lực lượng nội địa Pháp giải phóng Pháp (11-1944), Bỉ (9-1944), Hà Lan (11-1944) và đánh chiếm miền Tây nước Đức đến bờ sông Elbe (5-1945). Trong khi đó, tại mặt trận phía Đông, quân đội Liên Xô phối hợp với nhân dân và quân đội cách mạng các nước sở tại đã giải phóng Romania (8-1944), Bulgaria (9-1944), Nam Tư (10-1944), Ba Lan và Hungary (2-1945), Áo (4-1945), Tiệp Khắc (5-1944) và chiếm miền Đông nước Đức kể cả Berlin đến sông Elbe. Hy Lạp được quân Đồng minh giải phóng vào tháng 11-1944, còn Albania thì tự giải phóng vào cùng thời điểm. Chiến tranh trên chiến trường châu Âu kết thúc ngày 8-5-1945 với sự đầu hàng vô điều kiện của Đức.
Trên chiến trường Thái Bình Dương, tấn công chiến lược của Anh - Mỹ cũng bắt đầu từ giữa năm 1944, giải phóng dần các đảo từ phía Đông; đến cuối năm 1944 đã giải phóng được New Guinea và một số đảo của Philippines, sau đó lần lượt giải phóng Myanmar, Philippines (5-1945), chiếm đảo Iwo Jima (3-1945) và Okinawa (6-1945). Ngày 6-8-1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima (Nhật). Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Ngày 9-8-1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki (Nhật). Cũng từ 9-8-1945, quân đội Liên Xô tấn công đội quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, toàn bộ đội quân thiện chiến này (750.000 người) bị đánh tan phải đầu hàng. Quân đội Liên Xô cùng quân giải phóng Trung Quốc giải phóng toàn bộ Đông Bắc Trung Quốc và cùng với lực lượng cách mạng Triều Tiên giải phóng Bắc Triều Tiên. Tiếp sau đó, Liên Xô giải phóng đảo Xakhalin và quần đảo Kurin (8-1945). Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện (15-8-1945) và ký văn bản đầu hàng vào ngày 2-9-1945.
Ảnh tư liệu về Hồng quân Liên Xô năm 1941.
Tuy Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc nhưng nhiều vấn đề quan trọng về bảo vệ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết dân tộc… chưa được giải quyết triệt để. Số phận nhiều tội phạm phát xít đặc biệt cũng được giải quyết theo những kiểu cách rất đặc biệt của chúng. Đầu tiên là Mussolini: Thành lập đảng Phát xít từ năm 1919; năm 1925 thành lập chế độ độc tài phát xít; năm 1936 thành lập khối Trục Roma - Berlin; năm 1940 tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ II cùng với Đức; năm 1943 Mussolini thành lập ở miền Bắc nước Ý chính phủ “Cộng hòa xã hội Ý” rồi bị đổ cùng sự thất bại của phát xít Đức, bỏ trốn sang Thụy Sĩ nhưng bị bắt, bị Tòa án Quân sự Ủy ban giải phóng dân tộc Bắc Ý kết án tử hình vào tháng 4 - 1945.
Còn tội phạm số 1 trong Chiến tranh thế giới thứ II là Hitler - Quốc trưởng Đức trong thời kỳ nước Đức phát xít. Sau khi Berlin rơi vào tay quân đội Liên Xô, chủ nghĩa phát xít Đức sụp đổ, Hitler tự sát vào ngày 30-4-1945. Các tội phạm chiến tranh khác cũng đã bị đưa ra xét xử tại các Tòa án quốc tế.
Nói về chiến thắng phát xít, đương nhiên không thể không nói đến thành tựu vĩ đại của nhân dân Xô viết và Hồng quân Liên Xô anh hùng. Dưới sự lãnh đạo của Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân Liên Xô đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại chống phát xít Đức (1941 - 1945), giải phóng nhiều nước ở Trung và Đông Âu, dẫn đến sự thành lập hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Thời gian mà cả nhân loại tiến bộ hân hoan với chiến thắng phát xít thì tại Việt Nam, niềm hân hoan đó càng như được tăng lên gấp bội. Cách mạng Tháng Tám thành công đúng vào thời gian “Pháp chạy, Nhật hàng”, vua thoái vị. Và trong Tuyên ngôn Độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân tộc Việt Nam đã gan góc chống lại ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm, đã cùng đứng về phe đồng minh chống phát xít, phải được tự do, phải được độc lập…”.
|
TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN
|