- Hỏi: Trồng bắp trên đất ruộng, khoảng 35 ngày sau tỉa thì thấy có triệu chứng lùn dần, những cây bệnh sớm không trổ cờ, cây bệnh trễ không ra trái. Lá có sọc trắng từ trong thân ra ngoài, cây không ra trái hoặc có trái nhưng không có hạt.
* Trả lời: Đây là triệu chứng bệnh mốc sương (sọc lá hay bạch tạng) phổ biến ở nhiều giống bắp. Bào tử nấm bệnh tồn tại lâu trong đất và phát triển mạnh, lây lan nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi như mưa nhiều, độ ẩm cao, bón thừa đạm hoặc trồng bắp nhiều vụ trên một mảnh đất. Lá bắp bị bệnh có sọc vàng nhạt hoặc trắng bạc chạy dọc theo phiến lá từ góc lá ra chóp lá, ngắn và hẹp hơn bình thường, khả năng quang hợp kém. Cây bắp bị bệnh thường thấp bé, sinh trưởng kém, không cho trái hoặc có nhưng trái không có hạt.
Nếu bị nhiễm nặng, bệnh có thể làm biến dạng cả cờ và bắp, bắp không thụ phấn được, trái bắp nếu hình thành được cũng teo lại và không hạt. Bào tử nấm bệnh có thể tồn tại lâu dài trong đất. Trước khi trồng nên xử lý hạt giống với thuốc Mexyl MZ, Hạt Vàng, Bendazol, Carbenzim... với liều lượng 5-10g/1kg hạt, có thể phun nước cho hạt bắp hơi ẩm trước khi trộn thuốc hoặc hòa thuốc với nước và phun ướt đều hạt giống rồi hong khô trước khi gieo.
Sau thu hoạch nên vệ sinh đồng ruộng kỹ, thu nhặt tàn dư cây trồng để tránh không cho mầm bệnh rơi rớt lại trong đất. Thăm ruộng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Phun một trong các loại thuốc: Alpine, Mexyl MZ... khi cây bắp có 2-3 lá hoặc khi bệnh mới phát sinh. Khi cây được 6-8 lá thì tiếp tục phun lần thứ hai. Có thể phun thêm phân bón lá có chứa Magne như Magnesium Nitrat và chú ý bón thêm các loại phân có bổ sung vi lượng như Poly Feed để giúp cây tăng sức đề kháng
THÀNH HUY
(Công ty TNHH 1 Thành viên BVTV Sài Gòn)