Trị tận gốc cơn sốt bất động sản

Cơn sốt thị trường bất động sản (BĐS) đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, có những địa phương như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), quận 9 (TPHCM) cơn sốt giá đất đã làm đảo lộn toàn bộ thị trường, giá đất tăng cao, có nơi tăng gấp nhiều lần so với cùng thời điểm năm ngoái dẫn đến tình trạng “kẻ cười, người khóc”.

Lý giải về những cơn sốt này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng đây là những cơn sốt ảo, hoàn toàn do giới đầu cơ, môi giới BĐS không chuyên cố tình đẩy giá lên cao, tạo giá trị ảo trên thị trường, cộng với hiệu ứng tâm lý đám đông.

Ví dụ, tại Nha Trang, những thông tin mà ở nhiều sàn giao dịch BĐS đưa ra về các quy hoạch, dự án sắp triển khai đều không rõ ràng, rao bán cả những dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh. Thông tin chủ yếu được đưa ra là khu vực nào đang sốt, giá cả lên như thế nào, số lượng giao dịch chốt từng ngày ra sao...  để tạo tâm lý sốt ruột cho người mua.

Còn tại Vân Đồn, Phú Quốc, đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng nhận định, giá đất tăng chủ yếu dựa vào thông tin Nhà nước sẽ đưa các địa phương này trở thành đặc khu kinh tế, còn trên thực tế, các dự án đầu tư hạ tầng chưa triển khai. Tương tự, đất nền vùng ven TPHCM cũng sốt chủ yếu do thông tin sai lệch về thị trường, trong khi người dân không thể kiểm chứng được.

Nhưng vì sao người ta có thể tạo ra được những cơn sốt như vậy? Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), là do chúng ta vẫn đang thiếu một công cụ hữu hiệu quản lý thông tin về thị trường BĐS. Tình trạng các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên công bố thông tin thị trường BĐS, trong đó có nhiều thông tin thiếu chính xác, tác động tiêu cực đến thị trường vẫn còn xảy ra. Các báo cáo hay dự báo về thị trường BĐS được công bố từ khảo sát của các đơn vị tư vấn vẫn đang tiếp tục có sự vênh nhau. Thị trường BĐS vốn rất nhạy cảm, dễ bị những thông tin giả, thông tin ảo tác động, nếu các cơ quan quản lý nhà nước không đưa ra một thông tin chính thống nào, tất yếu thị trường sẽ trở nên rối ren.

Một trong những công cụ làm minh bạch thị trường, được kỳ vọng sẽ ngăn chặn được những cơn sốt ảo, chính là hệ thống thông tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường BĐS. Ý tưởng xây dựng hệ thống thông tin này đã được xác định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP. Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, công bố các chỉ số đánh giá theo định kỳ để phục vụ hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và định hướng thị trường, cung cấp chính xác các thông tin về quy hoạch, dự án... giảm thiểu việc đầu cơ BĐS, ngăn ngừa tình trạng sốt ảo. Nhưng sau 3 năm nhen nhóm, đến nay hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS vẫn chưa thành hình.

Ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết việc triển khai xây dựng hệ thống đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành về việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Theo đó, các địa phương cần bố trí ngân sách hàng năm cho việc điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Về phía Bộ Xây dựng cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm kết nối đến sở xây dựng các địa phương. Thế nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí. Để đầu tư một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại Bộ Xây dựng cũng như tại mỗi địa phương, cần khoảng 10 tỷ đồng, chưa kể kinh phí khảo sát, đấu thầu, thi công, đào tạo… Trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị tập trung hoàn thiện hệ thống tại các tỉnh thành phố lớn trước như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Với tiến độ hiện nay, cần phải mất ít nhất 1-2 năm nữa mới có thể thực hiện được.

Về mặt quản lý, cơn sốt giá đất không chỉ gây rối loạn thị trường khiến cơ quan chức năng mất kiểm soát, gây thiệt hại nặng nề cho những người nhẹ dạ cả tin chạy theo tâm lý đám đông, mà còn tiềm ẩn nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp khi giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Bài học từ việc sụp đổ thị trường sau cơn sốt của những lần trước vẫn còn đó. Hậu quả của nó đến giờ chưa thể giải quyết được, đó là hàng ngàn tỷ đồng đang đóng băng ở những phân khúc không có nhu cầu thực tế.

Để cắt được cơn sốt này, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có những động thái mạnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng sốt đất, xử lý nghiêm những sai phạm liên quan. Nhưng để ngăn ngừa, trị tận gốc tình trạng sốt nóng, cách giải quyết căn cơ nhất vẫn là phải sớm cho ra đời hệ thống thông tin chính thống về thị trường BĐS.

Tin cùng chuyên mục