
Câu chuyện của phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng với GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, đã xoay quanh những tâm tư cũng như công việc của giới trí thức khoa học thành phố. Trải dài theo những năm tháng đã qua, đi cùng sự phát triển của thành phố, người trí thức hôm nay vẫn còn đó những trăn trở – họ muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước, song cơ chế nào để phát huy tối đa năng lực chất xám của họ? Chúng tôi đi tìm câu trả lời.
- Trăn trở để hòa nhập
SV cử nhân tài năng trong ngày tốt nghiệp
- Phóng viên: 30 năm trôi qua, đội ngũ trí thức thành phố cũng đã trải hết lòng mình theo cùng bao thăng trầm của đất nước, để hôm nay nhìn lại, chúng ta không khỏi bùi ngùi khi nhớ về một lớp trí thức lớn tuổi đã lần lượt chia xa. Thưa giáo sư, chắc hẳn ông còn nhớ những năm tháng đầy trăn trở của giới trí thức thành phố: vui vì đất nước thanh bình, nhưng cũng lo phận mình “không biết về đâu”!
- GS.TS NGUYỄN NGỌC GIAO: Những ngày đầu sau giải phóng, nhân dân ta nói chung, nhân dân TPHCM nói riêng phải chịu muôn vàn khó khăn do chủ quan và khách quan, trong đó có việc Mỹ cấm vận nước ta. Số anh em trí thức từ chiến khu ra và từ miền Bắc vô đã quen với khó khăn gian khổ nên dễ dàng khắc phục.
Riêng trong đội ngũ trí thức tại chỗ, một số người đã dao động và ra đi, số còn lại cố gắng xác lập chỗ đứng của mình trong hoàn cảnh mới. Giữa hai nguồn trí thức còn có chỗ chưa thật sự hiểu nhau, còn e dè, giữ ý trong quan hệ.
- Vâng, cái thời điểm mà cố GS Lê Văn Thới, nguyên Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước, đã phải thốt lên: “Chính giờ phút này, những người trí thức chúng tôi đang đấu tranh gay go nhất với chính mình, gột rửa cái cũ để tiếp thu cái mới. Bao nhiêu mâu thuẫn là bấy nhiêu gian lao đang chờ đợi người trí thức ở mỗi chặng đường phát triển tiếp theo”.
- Chính vì sớm nhận biết tình hình đó, lãnh đạo Đảng các cấp đã có nhiều giải pháp cụ thể giúp đội ngũ trí thức phần nào vượt qua các khó khăn trước mắt. Ngày 10-8-1975, Hội Trí thức yêu nước chính thức được thành lập, và câu lạc bộ trí thức với trên 1.500 hội viên sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Việc chăm lo cải thiện đời sống cho trí thức: trợ cấp gạo, xăng xe... tuy không nhiều, nhưng là nguồn động viên rất có ý nghĩa.
- Năm 1986, Hội Trí thức yêu nước đổi tên thành Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, phải chăng đây là tín hiệu “lịch sử đã sang trang”, một bước ngoặt trong cách nhìn nhận mới về đội ngũ trí thức thành phố?
- Đúng là trước đây hội viên Hội Trí thức yêu nước chủ yếu là anh chị em trí thức tại chỗ, chọn con đường ở lại đất nước, thì nay Liên hiệp Hội bao gồm toàn bộ trí thức sinh sống trên địa bàn TP, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, tại chỗ hay từ miền Bắc vào, đánh dấu một giai đoạn hòa nhập mới của giới trí thức.
- Sử dụng trí thức: Vì sao chưa đúng mức?
- Cũng trong thời điểm này, đất nước ta bước vào giai đoạn đổi mới, giới trí thức sẵn sàng nhập cuộc?
- Chủ trương mở cửa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta được toàn dân hưởng ứng, trong đó có đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, trong việc mở cửa, người trí thức cũng còn nhiều lúng túng. Mở cửa để đón gió mới vào, nhưng phải làm sao không cho ruồi muỗi vào theo. Từ chế độ bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường: các bước đi phải như thế nào? Trong nhiều tình huống khác nhau, nếp nghĩ của từng người cũng khác nhau.
- Một câu hỏi đang làm ray rứt nhiều người: Vai trò thật sự của trí thức khoa học đứng ở đâu trong sự phát triển đi lên của thành phố? Họ đã được sử dụng đúng tầm chưa? Thưa giáo sư, chúng tôi trông chờ ở ông trong vai trò đại diện cho giới trí thức, câu trả lời thẳng thắn.
- Nhìn trên bình diện chung, trong tất cả các lĩnh vực phát triển của TP, từ kinh tế, văn hóa, đến nghệ thuật….đều có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trí thức. Song, trong việc phát huy đầy đủ năng lực của họ thì cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.
- Điều gì làm ông băn khoăn trong việc tận dụng năng lực chất xám của trí thức?
- Hiện nay, nhà nước đang rất quan tâm đến việc đào tạo nhân tài. Tôi cho rằng, việc lấy đào tạo làm mục tiêu là chưa đủ. Sao không lấy sử dụng trí thức làm mục tiêu? Liệu rằng, nhà nước bỏ tiền đưa các em đi đào tạo ở nước ngoài, sau này sử dụng đến đâu? Nếu không có cơ chế sử dụng, thì đào tạo xem như thất bại! Phải chăng bậc đàn anh đang là cái “gương” soi cho lớp trẻ?
Và trong số những sinh viên xuất sắc ra nước ngoài học tập, bao nhiêu em thực sự muốn trở về, khi lương bổng không đủ sống và làm chuyên môn cũng còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, một tiến sĩ Việt Nam ở nước ngoài, nếu đủ năng lực thì dễ dàng được phong giáo sư. Trong khi đó, nếu về VN, không biết bao lâu mới trở thành giảng viên chính !? Tất cả do cách sử dụng con người.
- Tức là cái mong muốn lớn nhất của trí thức khoa học là được sử dụng đúng tầm. Và giáo sư – trên cương vị của mình đã có lần nào trao đổi thẳng thắn với các nhà lãnh đạo chính quyền?
- Chính tôi đã phát biểu nhiều lần với lãnh đạo: Tất cả vấn đề nằm ở chỗ cung cách sử dụng nguồn lực. Bởi, với đặc thù của mình, tự thành phố đã là nơi thu hút nhân tài, song muốn khai thác tốt nguồn lực này phải có cơ chế chính sách.
- “Mọi con đường đều dẫn đến... cơ chế”. Thưa giáo sư, ý ông cho rằng thành phố chưa có một cơ chế tốt để tận dụng hết khả năng của trí thức khoa học?
- Đúng vậy. Tuy nhiên, phải nói là những năm gần đây thành phố cũng có nhiều chuyển động: Xem trọng trí thức khoa học hơn. Bằng chứng là trong hầu hết các cuộc họp của thành phố đều mời Liên hiệp Hội.
- Có phần nào để “làm kiểng” không?
- Có cả hai: Làm kiểng và làm thiệt. Bước đầu là “làm kiểng” để dành một chỗ đứng trong trí nhớ của các cấp lãnh đạo, dần dần chen tiếng nói của giới trí thức vào chỗ... “làm thiệt”.
- Giáo sư có phân tích vấn đề cơ chế sử dụng – nguyên do nào dẫn đến tình trạng này?
- Tôi không nghĩ là có vấn đề quan điểm gì ở đây, mà đơn giản hơn là đại bộ phận không biết cách sử dụng trí thức khoa học.
Chưa biết sử dụng vai trò của trí thức khoa học như thế nào cho có hiệu quả. Tất nhiên, ở đây không loại trừ một số tình huống thuộc về cá nhân riêng lẻ không thích sử dụng trí thức khoa học, nhưng đó cũng là chuyện thường tình của cuộc đời vốn dĩ phức tạp này.
Chẳng hạn, có những dự án “không thích” được các nhà khoa học tư vấn và phản biện vì dễ dẫn đến... “rách việc, bươi việc và… tốn tiền”!
- Chất lượng trí thức khoa học thành phố có sụt giảm?
- Có một luồng ý kiến cho rằng những năm sau này chất lượng các nhà khoa học của thành phố hình như giảm sút so với Hà Nội?
- Đúng một nửa.
- Nhưng, “một nửa sự thật… đâu phải là sự thật!”?
- Bởi, nếu lấy bằng cấp, học hàm, học vị làm thước đo trí tuệ thì rõ ràng trí thức TPHCM thua Hà Nội. Nhưng cũng phải thấy đặc thù tâm lý của con người mỗi vùng đất: Nếu ở khu vực phía Bắc coi trọng vấn đề bằng cấp, học hàm, học vị…do đó dù những thủ tục hành chánh cực kỳ nhiêu khê trong việc phong danh hiệu, họ cũng cố gắng vượt qua.
Ngược lại con người của đất phương Nam, sống trong bối cảnh “chim trời cá nước” lềnh khênh, tạo nên tâm lý khá thoải mái, họ chú trọng nhiều đến công việc thực tế và do đó khó tham gia vào quy trình phong các danh hiệu. Song, cũng phải nói thật, nhìn tổng thể thì số lượng trí thức ở TPHCM ít hơn Hà Nội.
- Giáo sư nhìn nhận thế nào về lực lượng trí thức khoa học đầu ngành của thành phố?
- Nhiều ngành hiện nay đang khủng hoảng cán bộ “đầu đàn”.
- Nguyên do?
- Vì đào tạo cho ra “đầu đàn” khó lắm, trong khi thực tiễn phát triển của thành phố đang cần họ giải quyết những vấn đề cụ thể trước mắt, và việc làm đó cũng để giải quyết đời sống kinh tế riêng của họ. Thời gian đâu để nghiên cứu sâu.
- Cuối cùng, đại diện cho giới trí thức, giáo sư sẽ đề xuất điều gì với lãnh đạo thành phố?
- Chúng tôi kiến nghị hai điểm: Thứ nhất, cho phép Liên hiệp Hội tham gia bàn bạc ngay từ đầu các chương trình kinh tế – xã hội trọng điểm của thành phố. Hai là, sửa đổi cơ chế quản lý khoa học, có chính sách cụ thể thu hút, sử dụng nhân tài trên cơ sở khai thác Quy chế đặc biệt mà Chính phủ quy định cho thành phố ta.
- Xin cám ơn giáo sư.
MAI LAN