Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mối quan hệ thân thiết giữa Bác Hồ – Bác Tôn hiện lên như một hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng cho truyền thống văn hóa, đoàn kết của dân tộc ta. Sự gắn bó mật thiết giữa hai con người nhưng cùng một hướng đi, cùng chung lý tưởng cách mạng và cùng trở thành ngọn cờ đoàn kết dẫn lối chỉ đường cho dân tộc đi theo trong cuộc đấu tranh cách mạng, trong xây dựng và phát triển.
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TPHCM và UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Bác Hồ – Bác Tôn, với mong muốn thực hiện một công trình lịch sử văn hóa giá trị và một món quà mang ý nghĩa thiết thực của đồng bào miền Nam, của người dân TPHCM gởi đến TP Hà Nội và người dân cả nước nhân sự kiện trọng đại này. 25 mẫu tượng phác thảo của các tác giả và nhóm tác giả từ khắp mọi miền trong cả nước vừa được Sở VH-TT và DL TPHCM tập hợp trưng bày tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, khai mạc chiều 20-10.
25 mẫu tượng đã được thể hiện ở nhiều tư thế, nhiều góc nhìn rất phong phú nhưng tựu trung tất cả đều mong muốn làm nổi bật hình ảnh hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc- hai tấm gương đạo đức sáng ngời, suốt một đời hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Họa sĩ Đỗ Như Cẩn (Hội Mỹ thuật TPHCM) chọn hình ảnh hai Bác vừa đi vừa nói chuyện, tay dắt cháu thiếu nhi- tượng trưng cho tình đoàn kết sắt son và không quên nhắc nhở việc chăm lo “trồng người”. Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng (Hội Mỹ thuật TPHCM) thì chọn thể hiện tư thế Bác Hồ tay trái đặt lên ngực, tay phải bắt tay Bác Tôn với nụ cười thân thiện. Cả hai đứng trên đài sen, Bác Tôn giơ tay trái hướng về phương Nam – hình ảnh nụ cười, cái bắt tay không chỉ là tình cảm của những người bạn, người đồng chí mà trên hết còn thể hiện một ý chí, một quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ở một góc khác, nhóm họa sĩ Đoàn Văn Bằng (Hội Mỹ thuật Việt Nam) và các tác giả Trường Đại học Mỹ thuật VN lại thể hiện một góc nhìn khác: hình tượng Bác Hồ bước lên gần gũi, giản dị, tay phải bắt tay và tay trái đặt lên cánh tay phải của Bác Tôn như chúc mừng, như nhắn nhủ về chân lý đoàn kết gắn bó, đồng sức đồng lòng. Hình tượng Bác Tôn đứng trang nghiêm, hai tay nắm chặt tay Bác Hồ như đón nhận tình cảm và cùng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ cội nguồn dân tộc vùng lên, hình tượng cách điệu trong tác phẩm này ví như hai cây đại thụ, tình đoàn kết như một đã kết tinh và tỏa sáng.
Vượt qua 2 mẫu tượng ở vòng chung khảo, mẫu tượng thể hiện hình ảnh Bác Hồ bắt tay chúc mừng sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa II năm 1960 bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của nhóm tác giả Lâm Quang Nới (Hội Mỹ thuật TPHCM) đã được chọn. Vừa qua, người dân cả nước và đông đảo khách quốc tế đã được chiêm ngưỡng công trình có ý nghĩa đặc biệt này. Bức tượng Bác Hồ – Bác Tôn được đặt tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã trở thành biểu tượng cao quý của tình đoàn kết dân tộc.
MINH AN