Mãn nhãn màn trình diễn 3D mapping và pháo hoa nghệ thuật trên bầu trời TPHCM

Màn trình diễn kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ hiện đại 3D mapping và nghệ thuật sân khấu mang đến trải nghiệm vô cùng độc đáo, thích thú. Cùng với đó, cả thành phố ngập trong ánh sáng pháo hoa mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

77831e554e71fc2fa560.jpg
Biểu diễn nghệ thuật 3D mapping tại mặt tiền trụ sở HĐND - UBND TPHCM tối 30-4. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), tối 30-4, TPHCM tổ chức loạt chương trình văn hóa, nghệ thuật thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.

Từ chiều tới tối 30-4, người dân liên tục đổ ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) xem khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh diễu hành trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đài phun nước Hoa Sen; xem đội quân nhạc, nhạc kèn biểu diễn phía trước trụ sở UBND TPHCM. Các ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước như Như có Bác trong ngày đại thắng, Tiến về Sài Gòn, Bài ca thống nhất… vang lên khí thế, tự hào về một thời hào hùng của dân tộc khiến người dân reo hò, hát theo không ngớt.

Cùng lúc đó là chương trình trình diễn nghệ thuật cộng đồng “Vũ điệu khăn rằn” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên và người dân.

5d53d338aa1c1842410d.jpg
e8c7e14499602b3e7271.jpg
58006c411565a73bfe74.jpg
Hàng chục ngàn người dân và du khách tập trung ở phố đi bộ Nguyễn Huệ thưởng thức chuỗi chương trình đặc sắc mừng 30-4. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ngay sau đó là đêm bế mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, công nghệ trình diễn chủ đề Sắc màu Thành phố Bác đặc sắc xuyên suốt từ trụ sở HĐND - UBND TPHCM, đường Nguyễn Huệ, Nhà hát TPHCM, Bến Bạch Đằng, công viên TP Thủ Đức và trên sông Sài Gòn.

Trong đó, có biểu diễn nghệ thuật 3D mapping mặt tiền trụ sở HĐND - UBND TPHCM với sự góp mặt của 4 đội nghệ thuật 3D mapping quốc tế gồm Việt Nam, Pháp, Bỉ, Singapore.

Trình diễn chính trong đêm bế mạc là đội AC3 Studio (Pháp) với tác phẩm “Việt - Pháp: Một góc nhìn”. Đó là bản giao hưởng thị giác tôn vinh vẻ đẹp của sự giao thoa văn hóa, nghệ thuật thủ công truyền thống và chiều sâu lịch sử giữa hai quốc gia. Sự kết hợp âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật trình diễn 3D mapping biến chương trình thành một hành trình ánh sáng xuyên biên giới, khi nghệ thuật công nghệ trở thành ngôn ngữ kết nối văn hóa.

85793019b13d03635a2c.jpg
cd6136fcb6d804865dc9.jpg
434d1d104d34ff6aa625.jpg
Màn biểu diễn của đội AC3 Studio (Pháp)

Khán giả cũng được thưởng thức lại những tác phẩm nghệ thuật trình diễn 3D mapping từ các đội Bỉ, Singapore và Việt Nam.

Cùng với đó, phần trình diễn ánh sáng Welcome Hồ Chí Minh City, đưa khán giả du hành qua dải đất hình chữ S - từ miền Bắc hùng vĩ, qua miền Trung đầy nắng gió, đến miền Nam năng động và chan hòa. Một hành trình thị giác nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, nơi thiên nhiên và con người Việt Nam hiện lên trong từng khung hình sống động.

de5677d7f7f345ad1ce2.jpg
Trình diễn ánh sáng Welcome Hồ Chí Minh City
4fea80b70193b3cdea82.jpg
Trao hoa cảm ơn các đội từ Pháp, Bỉ, Singapore và Việt Nam
80dfd2a8538ce1d2b89d.jpg
Người dân thích thú xem biểu diễn 3D mapping. Ảnh: BTC

Trong đêm bế mạc còn diễn ra màn trình diễn 10.500 drone (thiết bị bay không người lái) trên sông Sài Gòn cùng hai bên bờ sông TP Thủ Đức và quận 1.

Ngoài ra, chương trình bế mạc còn có biểu diễn nhạc giao hưởng trên đường đi bộ Nguyễn Huệ cùng nhiều hoạt động trên sông Sài Gòn như biểu diễn đờn ca tài tử, diễu hành thuyền hoa đăng, diễu hành tàu du lịch, biểu diễn các hoạt động thể thao dưới nước…

Đặc biệt, từ 21 giờ đến 21 giờ 15, TPHCM tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm. Trong đó 2 điểm tầm cao ở khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và Khu Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).

VIDEO: Người dân phấn khởi thưởng thức chương trình pháo hoa nghệ thuật và trình diễn ánh sáng. Thực hiện: DŨNG PHƯƠNG - HỒNG ÂN
de4ea5fc25d89786cec9.jpg
Trình diễn pháo hoa tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

28 điểm bắn tầm thấp được bố trí tại Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn); Đền Tưởng niệm Bến Nọc (TP Thủ Đức); Đền Tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác (huyện Cần Giờ); Chiến khu An Phú Đông (quận 12); Công viên Văn hóa Láng Le (huyện Bình Chánh); Khu dân cư Bình Trị Đông (quận Bình Tân); Hội trường Thống Nhất; cầu tàu Bến Bạch Đằng (quận 1); Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh); Cầu Ba Son (quận 1); Cầu Tân Thuận (quận 4); Công viên Bình Phú (quận 6); Trung tâm hành chính quận 7; Chợ Bình Điền (quận 8); Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11); Khu tái định cư 38ha Tân Sơn Nhất (quận 12); Khu An Bình (quận Tân Phú).

Ngoài ra, một số điểm bắn trên sà lan được tổ chức tại Khu đô thị Vạn Phúc (TP Thủ Đức); Khu công nghiệp Tây Bắc (huyện Củ Chi); Công viên Văn hóa quận Gò Vấp; UBND huyện Nhà Bè...

Cũng trong tối 30-4, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc biệt được tổ chức tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Tin cùng chuyên mục