1. Những ngày tháng Tư này, khi có rất nhiều em bé của TPHCM hạnh phúc được cha mẹ đưa đi xem tập luyện cho buổi diễu binh, diễu hành; khi hàng vạn em bé khác đang háo hức ngước nhìn bầu trời để xem các phi đội máy bay bay huấn luyện chuẩn bị sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì vẫn còn rất nhiều em bé khác ở những vùng có xung đột, chiến sự trên thế giới phải đối mặt với một bức tranh ám ảnh, những lời nhắc đau đớn về cái giá của chiến tranh.
Trong báo cáo công bố vào cuối năm 2024, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá, năm 2024 là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử đối với trẻ em ở những khu vực có xung đột. Sự tàn khốc của xung đột vũ trang đã lên mức “kỷ lục”, cả về số lượng trẻ em chịu ảnh hưởng lẫn mức độ tác động. UNICEF ước tính hơn 473 triệu trẻ em, tương đương 19% số trẻ em toàn cầu, đang sống tại các khu vực có xung đột trên khắp thế giới...
Trong những khoảnh khắc suy nghĩ miên man về thân phận những đứa trẻ không may mắn khắp nơi ấy, tôi nghĩ về Tổ quốc mình với tròn nửa thế kỷ đã được sống trong hòa bình sau 30 năm bom đạn. Trong 30 năm ấy, biết bao nhiêu máu người Việt Nam đã đổ xuống để đi đến buổi trưa ngày 30 tháng Tư vào 50 năm trước? Bao nhiêu em bé Việt Nam cũng đã từng mang số phận không may mắn, thân thể không lành lặn như các em ở vùng chiến sự, xung đột ấy?
2. Cái giá của cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, đưa đất nước đi đến ngày hòa bình thống nhất vẫn ở đó, trong hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ dọc dài trên mọi miền Tổ quốc. Cũng trong những ngày tháng Tư lịch sử này, có một người mẹ ở Nghệ An - mẹ Phạm Thị Lài (ngụ xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương), người mẹ đã cố sống từng ngày, bền bỉ xuyên qua thế kỷ, hơn 50 năm tìm con để chờ được ôm lấy di cốt người con của mẹ: liệt sĩ Nguyễn Công Hòa đã hy sinh năm 1973 nay mới được về bên mẹ. Và mẹ bây giờ đã 104 tuổi! Nhưng cũng có bao nhiêu người mẹ Việt Nam khác đã không kịp sống đến ngày con về, dù con của mẹ chỉ trở về trong di cốt.
Cái giá của cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, đưa đất nước đi đến ngày hòa bình thống nhất vẫn còn đó, trong những đạn bom vẫn rình rập người dân trên cánh đồng dù chiến tranh đã kết thúc nửa thế kỷ. Cái giá của cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, đưa đất nước đi đến ngày hòa bình thống nhất vẫn còn đó, trong những em bé mà hình hài đã bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam… Và bao nhiêu nữa những đau thương chưa dễ gì nguôi ngoai trong từng gia đình, trong từng số phận.
Và tôi nhớ về tôi, ngày 30-4-1975, tôi khi đó đang vào tuổi thiếu niên sống ở miền Nam. May mà chiến tranh đã kết thúc. Bởi chiến tranh chỉ kéo dài thêm dăm bảy mùa hè nữa, thì cả một thế hệ những đứa bé tầm tuổi thiếu niên như chúng tôi sẽ đủ tuổi để buộc phải cầm súng. Chỉ cần nghĩ như thế, là đủ để thấm thía hai tiếng: Hòa bình!
3. Giờ đây, chúng ta càng hiểu hơn hai tiếng “hòa bình” khi Việt Nam đang trở thành một quốc gia cường thịnh. Nó không chỉ ở trong những con số thống kê vĩ mô của các báo cáo quốc tế. Hãy nhìn hạ tầng của đất nước hôm nay, hãy nhìn những gương mặt người dân trong những ngày này. Tất cả sẽ không có được nếu không có hòa bình! Nó là kết quả của máu xương, của khát vọng sống mãnh liệt, và của lòng quả cảm vượt qua cái chết.
50 năm, thế hệ sinh ra sau ngày hòa bình nay đã vào tuổi trung niên. Có những người cố tình xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả được trả giá bằng máu xương. Họ có lẽ chưa bao giờ hiểu thế nào là chiến tranh sống chết, là bom đạn mất còn, nhưng nhìn những gì đang xảy ra trên thế giới, từ những cánh đồng lúa mì của Ukraine hay mênh mông sa mạc Gaza - nơi những phận người và nỗi đau chiến tranh vẫn là hiện thực tàn khốc, lẽ nào họ không cảm nhận rằng đó là nỗi đau mà người Việt đã từng trải qua để giành lấy hòa bình? Việt Nam, hơn ai hết, hiểu rằng hòa bình là báu vật, là nền tảng của mọi sự phát triển, là kết tinh của cả một chặng đường lịch sử nhuốm máu và nước mắt. Đừng để sự lãng quên, sự thờ ơ và những luận điệu xuyên tạc làm phai mờ giá trị thiêng liêng đó.
Hãy nhìn vào đôi mắt những em bé ở những vùng xung đột, chiến sự, để thấy rằng 50 năm qua chúng ta đang may mắn biết bao. Và hãy cùng nhau trân trọng, nâng niu, bảo vệ hòa bình vĩnh cửu cho đất nước này bằng tất cả trái tim và ý chí của mình. Hòa bình không phải là một món quà hiển nhiên, mà là một báu vật thiêng liêng, cần được gìn giữ và bảo vệ bằng mọi giá!