Triệt chất cấm trong thức ăn chăn nuôi - Phải chế tài mạnh

Tình trạng chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm ngày càng trở nên nhức nhối. Phóng viên Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý về vấn đề này.

Tình trạng chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm ngày càng trở nên nhức nhối. Phóng viên Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý về vấn đề này.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Phải quản từ gốc

Để kiểm soát được chất cấm thì cần phải quản lý từ gốc, cụ thể là điều tra và xử phạt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm. Nhưng hiện nay, chúng ta mới chỉ chủ yếu tập trung xử phạt các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có chất cấm bào chữa rằng chất cấm đã được trộn sẵn trong nguyên liệu nhập khẩu về, nhưng nói vậy không được chấp nhận bởi khi anh sản xuất ra thì phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình, phải kiểm tra kiểm nghiệm để loại bỏ nguyên liệu có chất cấm.

Quy định về quản lý và xử phạt chất cấm trong thức ăn chăn nuôi đã có từ cả chục năm nay và cũng liên tục được bổ sung, nhưng có những bất cập. Chẳng hạn như, Nghị định 119/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chỉ cho phép UBND tỉnh được quyền xử phạt các doanh nghiệp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại địa bàn tỉnh đó, nên khi phát hiện có thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm bán trên địa bàn, UBND tỉnh và sở NN-PTNT chỉ có thể xử phạt được doanh nghiệp hoặc đại lý kinh doanh mà không thể xử phạt được doanh nghiệp sản xuất nếu có nhà máy nằm ở địa bàn tỉnh khác. Để xử phạt doanh nghiệp sản xuất, Nghị định 115 của Chính phủ giao cho Cục Chăn nuôi và UBND tỉnh nơi có nhà máy vi phạm ra quyết định xử phạt với mức phạt chỉ từ 30-100 triệu đồng, có thể tạm đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng hoặc rút giấy phép, là mức chế tài thấp. Vì vậy, để mạnh tay xử lý chất cấm thì cần phải tăng mức phạt và kiên quyết rút giấy phép những doanh nghiệp vi phạm. Ngay cả đối với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nếu doanh nghiệp nào bị phát hiện có chất cấm trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng sẽ bị kiến nghị xử lý nghiêm. Nếu xử lý không nghiêm minh đối với những doanh nghiệp làm ăn gian dối thì sẽ tạo sự bất công đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT): Cần có sự phối hợp nhiều ban ngành

Bộ NN-PTNT và Chính phủ đã xây dựng khung pháp lý để tạo cơ sở cho việc xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm ở nhiều lĩnh vực, trong đó có hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề là các địa phương có xử lý quyết liệt hay không? Theo tôi, để quản lý một cách hiệu quả thì không chỉ một mình Bộ NN-PTNT mà các bộ có liên quan cũng cần phối hợp vào cuộc, đặc biệt là quản lý nguồn gốc của chất cấm từ đâu, do nhập lậu vào Việt Nam hay các doanh nghiệp nhập khẩu về làm thuốc chữa bệnh trong ngành y tế rồi để thất thoát ra ngoài.

Chúng tôi cũng khuyến khích người dân chủ động thông tin, nếu phát hiện doanh nghiệp, đại lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm thì báo ngay cho cơ quan chức năng. Cùng với việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương và cơ quan chức năng có liên quan tăng cường lấy mẫu thịt, thực phẩm và nước tiểu gia súc ở các lò mổ để giám sát chất cấm, dư lượng kháng sinh… Nếu phát hiện thì xử lý ngay, không cho tuồn ra thị trường.

Hiện Cục Chăn nuôi đang soạn thảo thông tư mới về danh mục các loại hóa chất và kháng sinh cấm nhập khẩu hoặc sản xuất và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đề nghị người tiêu dùng cần chủ động tiếp cận các thông tin về thực phẩm an toàn, chọn mua và sử dụng các loại thịt có màu sắc tự nhiên, không nên chạy theo các sản phẩm có màu sắc bắt mắt, lạm dụng hóa chất… từ đó định hướng ngược lại hoạt động sản xuất, chăn nuôi theo hướng lành mạnh.

PGS-TS Lã Văn Kính, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ: Vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự

Chất tạo nạc mặc dù giúp người chăn nuôi rút ngắn thời gian, kích thích sự phát triển của heo, tạo tỷ lệ nạc cao và tăng trọng lượng cho heo… nhưng chất tạo nạc là các chất thuộc nhóm Beta-agonist rất độc hại cho người tiêu dùng. Chất salbutamol thuộc nhóm Beta-agonist được dùng trong y tế để chữa bệnh hen suyễn và phế quản ở người nhưng cũng chỉ với liều lượng nhỏ và phải được kiểm soát, theo dõi nghiêm ngặt. Còn nếu trộn vào thức ăn chăn nuôi thì heo sẽ không thể đào thải được và tạo dư lượng trên thịt, đi vào cơ thể người gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch. Do đó, bằng mọi cách phải loại bỏ các chất cấm này khỏi thức ăn chăn nuôi. Cách tốt nhất để ngăn chặn là tăng mức phạt các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi sử dụng chất cấm. Nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn thì phải đề nghị xử lý hình sự.

PHÚC HẬU

- Thông tin liên quan:

>> Thịt độc bủa vây người tiêu dùng

Tin cùng chuyên mục