Gây sức ép
Theo Yonhap, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết một số vật thể mà Triều Tiên phóng thử đã bay từ 70km - 200km. Vụ phóng được thực hiện ở khu vực gần thị trấn duyên hải Wonsan và rơi xuống vùng biển phía Đông Bắc Triều Tiên. Phía quân đội Hàn Quốc khẳng định, Triều Tiên không phóng tên lửa đạn đạo. Sau vụ phóng, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã mở cuộc họp khẩn với sự tham dự của các quan chức an ninh hàng đầu nước này để đánh giá về động thái mới nhất của Triều Tiên.
Vụ phóng thử các vật thể bay lần này của Bình Nhưỡng được cho là thông điệp nhiều ẩn ý gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 kết thúc không có tiến triển. Theo chuyên gia Harry Kazianis tại Trung tâm Nghiên cứu Lợi ích quốc gia, Triều Tiên đang tỏ ra mất kiên nhẫn và không hài lòng khi đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc do Chính phủ Tổng thống Donald Trump thiếu sự linh hoạt trong lập trường liên quan tới việc dỡ bỏ trừng phạt, trong khi vẫn khăng khăng thực hiện chính sách gây sức ép tối đa. Vụ phóng cũng nhằm gia tăng sức ép lên phía Mỹ cũng như hối thúc Hàn Quốc có chính kiến riêng. Đáng chú ý, vụ phóng diễn ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm quan trọng kéo dài hơn 1 giờ về các vấn đề nóng trên thế giới, trong đó có nhắc tới Triều Tiên. Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump thúc giục Tổng thống Putin gia tăng áp lực đối với Triều Tiên để đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, sau cuộc gặp diễn ra giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thành phố Vladivostok ở miền Viễn Đông Nga, giới quan sát đánh giá đây là thông điệp gửi trực tiếp tới Washington, rằng Mỹ không phải là cường quốc duy nhất có thể gây ảnh hưởng tới vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Dư luận theo dõi sát
Liên quan tới vụ phóng vật thể bay tầm ngắn của Triều Tiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi nếu cần thiết. Phía Hàn Quốc khẳng định hành động của Triều Tiên đã vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hy vọng Triều Tiên sớm nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định vụ phóng trên không phải mối đe dọa tức thì đối với an ninh quốc gia của nước này. Tokyo không nhận thấy dấu hiệu của bất cứ tên lửa tầm ngắn nào của Triều Tiên ở xung quanh lãnh thổ Nhật Bản hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (320km) của nước này.
Theo nhận định của chuyên gia Harry J. Kazianis, Trưởng khoa nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lợi ích quốc gia của Mỹ, vụ phóng vật thể bay lần này của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ đưa các bên liên quan trở lại vạch xuất phát trong tiến trình đàm phán. Thậm chí lo ngại rằng vụ phóng còn chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ không rút lui về mặt quân sự. Một số ý kiến khác cho rằng động thái của Bình Nhưỡng dường như được cân nhắc kỹ lưỡng và được điều chỉnh để không khiêu khích Washington tới mức làm chệch hướng ngoại giao, bởi điều này sẽ là đòn phản mục tiêu của Triều Tiên trong việc thúc đẩy nới lỏng trừng phạt của quốc tế.