Thực trạng các phòng thí nghiệm ở TPHCM

Bài 1: Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Đầu tư bạc tỷ để chờ... lạc hậu

Bài 1: Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Đầu tư bạc tỷ để chờ... lạc hậu

Đến nay, cả nước đã có 17/19 dự án phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) quốc gia được đầu tư với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu USD. Trong đó, tại TPHCM có 3 PTNTĐ là PTNTĐ Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), PTNTĐ vật liệu polymer và composite, PTNTĐ điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (Trường Đại học Bách khoa TPHCM).

  • “Trùm mền” vì... chưa có thiết bị đồng bộ
Bài 1: Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia - Đầu tư bạc tỷ để chờ... lạc hậu ảnh 1
Máy nhiễu xạ tia X trị giá tới hơn 4 tỷ đồng nhưng mới chỉ dùng để kiểm nghiệm mẫu cho sinh viên. Ảnh: Tg.L.

Được tách ra thành một khu riêng trên khuôn viên rộng 2ha ở số 9/621 Xa lộ Hà Nội, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, PTNTĐ của Viện Sinh học nhiệt đới vừa được nâng cấp, sửa chữa trông rất bề thế.

Phía dưới tầng trệt đã được bố trí 2 phòng rộng liền kề với các thiết bị mới tinh tươm cho Phòng Công nghệ tế bào thực vật vừa được đưa vào hoạt động.

Tầng trên được trưng dụng để chứa những thiết bị, máy móc đã mua sắm mà… chưa sử dụng.

Tất cả các cửa phòng đều khóa, nhưng nhìn qua cửa kính, đập vào mắt là hàng loạt thiết bị từ bé đến lớn đang được bọc nylon kín mít, trong đó phải kể đến là một loạt kính hiển vi đủ kích cỡ, tủ lạnh sâu...

Hầu như phòng nào cũng có thiết bị chưa sử dụng. Một cán bộ cho biết có cả những thiết bị đã mua từ năm 2004, tức 2 năm trước.

Thậm chí ngay phía hành lang lối đi, hai thiết bị là tủ lắc ủ và máy hấp vô trùng với nhãn hiệu của nước ngoài, ước tính trị giá cả trăm triệu đồng nhưng cũng để chỏng chơ mà không thèm… bao bọc.

Lý giải về việc chưa sử dụng, một cán bộ phân trần: “Do chưa có thiết bị đồng bộ và thiếu nhân lực”. Phía sau khu nhà bề thế là Phòng Công nghệ gen được đầu tư những trang thiết bị đắt tiền như máy phân tích chỉ tiêu về AND (Bio-Rad), thiết bị nghiên cứu biến đổi gen, súng bắn gen (trị giá hơn 30.000 USD)… nhưng cũng theo một cán bộ cho biết thì đang chạy “rô đa” vì chưa có thiết bị đồng bộ.

PTNTĐ Viện Sinh học nhiệt đới được phê duyệt đầu tư từ năm 2003 với tổng kinh phí ngân sách của Bộ Khoa học và Công nghệ khoảng 54 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2007.

Năm 2004, Viện Sinh học nhiệt đới cho đấu thầu triển khai xây dựng cơ bản và chia làm 3 địa điểm xây dựng. Ngoài địa điểm chính ở khuôn viên Phòng Nghiên cứu và phân tích ở Linh Trung, Thủ Đức, còn có một địa điểm ở Thạnh Lộc (quận 12) và một ở Đà Lạt (Lâm Đồng), nhưng từ năm 2004 đến nay tập trung đầu tư cho địa điểm Linh Trung, Thủ Đức.

Trong số 54 tỷ đồng, dự kiến đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 3,5 tỷ, còn lại mua sắm thiết bị. Theo Ban Dự án Viện Sinh học nhiệt đới, tính đến nay đã mua sắm được trên 100 thiết bị lớn nhỏ với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Quản lý tổng hợp thì chỉ mới đưa vào sử dụng được 30% trong tổng số máy móc, thiết bị đã mua sắm.

  • Thiếu đề tài, dự án thực hiện

Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polymer (ĐH Bách khoa TPHCM) được xét cho đầu tư chiều sâu thành PTNTĐ quốc gia từ năm 2004 với kinh phí 64 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Bộ Giáo dục-Đào tạo. Đây là PTNTĐ cho khu vực phía Nam tính từ Đà Nẵng trở vào với nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ vật liệu mới trong ngành vật liệu polymer và composite…

Năm 2004, 5 tỷ đồng đã được rót xuống để xây dựng một khu nhà (khu C6) nằm trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM dành cho PTNTĐ vật liệu polymer và composite, trong đó được bố trí thành các phòng chuyên môn như phòng đo kích thước hạt, phổ hồng ngoại; phòng đo tính chất của màng sơn; phòng đo tính chất cơ lý của vật liệu; phòng phun sương muối để đo độ ăn mòn; phòng đo độ chịu lực tác động môi trường của vật liệu; 4 phòng thí nghiệm hóa học…

Năm 2005, PTNTĐ vật liệu polymer và composite được đầu tư thêm 10 tỷ đồng mua sắm thiết bị và một phần hoàn thiện cơ sở vật chất. Hầu hết các phòng chuyên môn đã được bố trí, lắp đặt thiết bị nhưng theo bộ phận trực tiếp quản lý dự án thì vẫn đang cho vận hành thử vì chưa có dự án, đề tài “tầm cỡ” nào để thực hiện, mà chủ yếu phục vụ những thí nghiệm cho sinh viên, nghiên cứu sinh.

Chẳng hạn máy nhiễu xạ tia X được đầu tư tới hơn 4 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ hồi đầu tháng 8-2006 nhưng chỉ để kiểm nghiệm mẫu cho sinh viên.

Hay phòng đo tính chất cơ lý của vật liệu cũng đã được vận hành với máy móc nhập từ nước ngoài nhưng không dám chạy nhiều vì theo một cán bộ cho biết là chạy bằng lực đẩy của dầu nên rất tốn kém…. Nói chung, hôm chúng tôi đến tham quan (ngày 26-10), hầu hết những phòng chuyên môn rất… vắng vẻ, mà theo một nghiên cứu sinh đang thực tập ở đây thì: “Có đề tài, dự án đâu mà vận hành máy móc”.

Theo lãnh đạo PTNTĐ vật liệu polymer và composite, mặc dù theo kế hoạch là sẽ hoàn thành vào năm 2007 nhưng những máy móc, thiết bị đã nhập về cần phải cho vận hành ngay.

Tuy nhiên, việc vận hành mới chỉ mang tính thử nghiệm bởi chưa có đề tài, dự án để thực hiện. Theo quy chế hướng dẫn tạm thời về hoạt động của PTNTĐ của Bộ Khoa học và Công nghệ thì PTNTĐ quốc gia hoạt động theo cơ chế “mở”, phục vụ cả những nhà khoa học bên ngoài có nhu cầu vào nghiên cứu nhưng thực tế vẫn chưa có mấy người biết để đến xin nghiên cứu, thử nghiệm.

Trong khi đó, theo Ban Giám đốc PTNTĐ vật liệu polymer và composite thì năm 2006 và 2007 tập trung số tiền còn lại mua sắm thiết bị.

Tương tự, năm 2004, PTNTĐ về điều khiển số và kỹ thuật hệ thống thuộc ĐH Bách khoa TPHCM cũng được đầu tư xây dựng lên tới gần 70 tỷ đồng. Với chức năng nghiên cứu ứng dụng các hệ thống điều khiển, đo lường, cơ điện tử, tạo mẫu nhanh…, PTNTĐ điều khiển số và kỹ thuật hệ thống về cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa xây dựng được nhiều đề tài và dự án nghiên cứu thực hiện mang tính chiến lược, trọng điểm.

Với tiến độ, cách đầu tư và thực hiện như vậy, khi các PTNTĐ quốc gia thực sự được đưa vào hoạt động thì trình độ kỹ thuật của chúng đã trở nên… lỗi thời.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục