Báo cáo của Bộ NN-PTNT mới đây cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), số lượng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã tăng lên tới 12.569. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm tăng thêm 800 HTX.
Bên cạnh số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX cũng đã được cải thiện. Có 2.200 HTX nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao. Năm 2020, doanh thu của các HTX đạt bình quân 2,44 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001.
Không chỉ trong nông nghiệp, tình hình hoạt động của các HTX thuộc nhiều lĩnh vực khác cũng có nhiều điểm sáng. Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH-ĐT) cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2020 các HTX trên toàn quốc đóng góp 3,76% vào GDP, tương đương 197.840 tỷ đồng/năm (theo giá so sánh năm 2010); con số này ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 8,91% (472.591 tỷ đồng/năm). Đó là chưa kể trong cùng giai đoạn, kinh tế cá thể đóng góp vào GDP là 29,6%. Trong số này, sự đóng góp gián tiếp của khu vực kinh tế hợp tác rất lớn: gần 1,7 triệu đơn vị kinh tế cá thể là thành viên của tổ hợp tác và trên 6,1 triệu đơn vị kinh tế cá thể là thành viên HTX. Như vậy, nếu tính cả đóng góp trực tiếp và gián tiếp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP, tỷ lệ còn cao hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, các HTX cũng gặp phải những khó khăn rất lớn. Từ trước đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam, một nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam công bố ngày 24-3 cho thấy, có tới 83,3% số HTX ở Việt Nam chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Con số này nếu tính đến nay chắc chắn còn tăng cao hơn nữa. Trong khi đó, tỷ lệ HTX được hưởng các chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng là lãnh đạo các HTX còn hạn chế về năng lực, không được đào tạo bài bản nên khó đáp ứng được các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục…
Nhận thấy bất hợp lý này, ngày 9-9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Mục tiêu của nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; trong đó đến hết năm 2021 phấn đấu lũy kế có ít nhất 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh...
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp trước mắt. Còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết để khu vực kinh tế tập thể có hành lang phát triển bền vững. Hiện đang là thời điểm hết sức thuận lợi để làm việc này vì Luật HTX 2012 đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đơn cử, Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn đều quy định HTX được ưu đãi về quỹ đất nhưng hầu hết địa phương đều không có quỹ đất cho HTX thuê nên chính sách gia hạn tiền thuê đất không có ý nghĩa. Trong bối cảnh khó khăn như vừa qua, số lượng HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp vào ngân sách nhà nước không nhiều nên cũng không có nhiều HTX được hưởng chính sách gia hạn, giảm tiền thuế; muốn tiếp cận vốn tín dụng phải có tài sản thế chấp nhưng HTX không có tài sản thế chấp, không vay được, từ đó chính sách cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay cũng không có tác dụng thực tế…
Đây đều là những vấn đề mà các cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự thảo luật sửa đổi hoặc hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật HTX năm 2012 cần tính đến. Kỳ vọng, khi những chính sách hỗ trợ sát với nhu cầu, kinh tế tập thể sẽ có những đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước.