Trợ lý kỹ thuật số Cortana sẽ giúp cuộc sống bớt những phức tạp

Trợ lý kỹ thuật số Cortana sẽ giúp cuộc sống bớt những phức tạp

Chúng ta có thể hình dung đến một tương lai khi chúng ta về nhà, chỉ cần cầm một chiếc smartphone và nói “Chào Cortana! Chuẩn bị nước nóng để tôi tắm và nhớ tưới vườn nhé!”, khi đó Cortana sẽ điều khiển ứng dụng để thực thi yêu cầu đó…

Vừa qua, trong sự kiện giới thiệu phiên bản Windows 10, ông phó chủ tịch Joe Belfiore của công ty Microsoft đã đem đến cho người dùng windows một tin vui khi Microsoft đã đưa trợ lý kỹ thuật số Cortana vào Windows 10, đây là điều rất thú vị vì Windows 10 được Microsoft thiết kế để có thể hoạt động đa nền tảng thiết bị (smartphone, tablet, PC), do đó có thể xem như người dùng máy tính cá nhân (PC) có thể được trải nghiệm với Cortana thay vì chỉ có thể trải nghiệm bằng thiết bị chạy Windows phone.

Thực tế, có thể Cortana được xem như một cách tiếp nhận thông tin của người dùng. Nếu như trước kia, người dùng đưa thông tin vào máy tính bằng mouse, bàn phím thì với Cortana người dùng có thể làm điều đó bằng giọng nói. Rõ ràng, với cách tiếp cận như thế, việc giao tiếp giữa người dùng và thiết bị trở nên hiệu quả hơn. Mọi người có thể vừa “nhờ” Cortana làm giúp một điều gì đó và trong khi đó họ vẫn có thể làm việc khác mà không cần phải “động tay động chân”, điều này đặc biệt hiệu quả khi tương lai IoT (Internet of Things) đang đến gần và có vẻ như xu thế hiện nay của rất nhiều nhà sản xuất cũng đều hướng về điều này.

Chúng ta có thể hình dung đến một tương lai khi chúng ta về nhà, chỉ cần cầm một chiếc smartphone và nói “Chào Cortana! Chuẩn bị nước nóng để tôi tắm và nhớ tưới vườn nhé!”, khi đó với IoT, Cortana sẽ điều khiển ứng dụng để thực thi yêu cầu đó, rõ ràng viễn cảnh này cũng không quá xa khi Cortana hiện nay đã hỗ trợ rất tốt cho người dùng trong công việc.

Cortana vẫn hoạt động dựa vào bộ máy tìm kiếm Bing của Microsoft, dĩ nhiên Cortana vẫn có thể dựa vào nguồn tài nguyên (index) của máy để tự lập cho mình một cơ sở dữ liệu, phục vụ cho quá trình làm việc. Với cách giao tiếp thông qua giọng nói, Cortana cho thấy phản ứng gần như tức thời và sự ứng chuyển linh hoạt khi thực hiện nhiều tác vụ liên tiếp một cách chính xác. Ngoài ra, Cortana còn có thể “giải quyết” những tác vụ rất bình thường không đòi hỏi quá nhiều về công nghệ như dọn dẹp ổ cứng hay tìm một tập tin nào đó trong máy tính của người dùng.

Tuy nhiên, Cortana cũng đang gặp một vấn đề mà rất nhiều “trợ lý ảo” khác cũng gặp đó là hỗ trợ đa ngôn ngữ, hiện nay Cortana làm việc rất tốt nếu người dùng sử dụng tiếng Anh. Người dùng sử dụng một ngôn ngữ khác (không phải tiếng Anh) sẽ phải chấp nhận thực tế đó là Cortana sẽ không hiểu hay nói cách khác là sẽ không làm việc đúng như ý họ muốn.

Thực tế thì điều này không quá lớn khi tiếng Anh gần như là ngôn ngữ giao tiếp chung trên toàn cầu và người dùng học thêm ngoại ngữ này sẽ tốt cho bản thân nhiều hơn là Cortana “học” thêm bản ngữ của họ. Dẫu sao, nếu Cortana có thể hiểu được câu nói “Chào Cortana! Hôm nay thời tiết thế nào?” vẫn sẽ rất tuyệt.

Có thể nói, Cortana hiện nay trên Windows 10 được xem là bước hoàn tiến của Microsoft khi đã áp dụng trên máy tính cá nhân. Tuy nhiên, so với phiên bản hiện có trên các điện thoại thông minh sử dụng Windows phone thì Cortana trên Windows 10 đã có bước tiến khá dài khi Microsoft đã xóa bỏ khái niệm “phiên bản chạy trên PC, phiên bản chạy trên smartphone” bằng Windows 10, hiểu theo cách khác đơn giản hơn, người dùng sẽ không còn bận tâm về chuyện thiết bị họ sử dụng đang chạy phiên bản Windows nào.

Trên Windows 10, Cortana được “đặc cách” ở một vị trí khác đặc biệt, đó là ô Search (tìm kiếm) ở cạnh nút Start. Cortana có thể thực hiện rất nhiều tác vụ cơ bản hay có thể tương tác với các tài liệu, văn bản khi nhận được lệnh từ giọng nói, có thể nói trên Windows 10, Cortana được thiết kế một cách khéo léo để hỗ trợ người dùng hiệu quả nhất theo một cách gần gũi nhất.

Mạnh Tuấn

Tin cùng chuyên mục