Giai đoạn bước vào tranh tài Olympic 2016 đã gần kề. Lúc này, HLV và VĐV của đoàn Việt Nam đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng của đợt tập luyện làm quen tại Rio de Janeiro (Brazil) để rồi sau đó chỉ bước ra thi đấu và thi đấu. Trong sự căng thẳng và tập trung cao độ chung, vai trò của người thầy rất quan trọng.
Sát sao từng bước
Tất cả VĐV của thể thao Việt Nam tại Olympic 2016 đều có vai trò quan trọng ngang nhau. Vì thế, đoàn Việt Nam đưa tôn chỉ cao nhất chính là đảm bảo sức khỏe tốt nhất cũng như từng người được huấn luyện chuyên môn hiệu quả nhất. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) cùng HLV Đặng Anh Tuấn là những người của thể thao Việt Nam có mặt tại làng VĐV Olympic sớm nhất. Họ sẵn có tính chuyên nghiệp từ khi tập huấn ở Mỹ thì ngay khi vừa đặt chân tới Rio de Janeiro và ổn định chỗ ở là ra tập luyện ngay.
HLV Đặng Anh Tuấn luôn chỉ đạo sát sao cô học trò Ánh Viên. Ảnh: T.L
Đều đặn, Viên hàng ngày tập khung giờ tối khuya nhằm làm quen với nhịp sinh học tại Brazil (do cô sẽ thi đấu một số nội dung vào khung giờ 22 giờ). Học trò tập luyện, đồng nghĩa người thầy theo sát và ông Tuấn không nghỉ ngơi phút nào. Thậm chí, vị HLV người An Giang còn mệt hơn khi nhắc nhở Viên từng chuyện nhỏ để làm sao không bị lỗi trong thi đấu ở Olympic. Đây là lần thứ 2 HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên cùng nhau dự Olympic nhưng cảm giác của họ như lần đầu vì cũng khá hồi hộp.
Cử tạ có tới 3 HLV trong danh sách nhưng HLV Huỳnh Hữu Chí khá trọng trách do phải quán xuyến tất cả cho cậu học trò Thạch Kim Tuấn. Nhiều người nói đùa, ông Chí như người tổng quản của riêng Tuấn vì phải theo sát để kiểm tra giờ giấc tập luyện, nghỉ ngơi lẫn ăn uống. Tuấn đang là niềm hy vọng đạt huy chương. Vì thế, ông Chí không thể sơ sảy giây phút nào. Đội cử tạ hiện tại vẫn tập các khung giờ tối ở làng VĐV Olympic 2016 và tất nhiên, những HLV như Huỳnh Hữu Chí, Trần Duy Khâm, Nguyễn Mạnh Thắng chỉ trở về khu ở và lên giường ngả lưng khi tất cả 4 lực sỹ đã tắt đèn đi ngủ vào cuối ngày. Các môn như đấu kiếm, TDDC... cũng tương tự.
Chuyên gia nước ngoài (trái) của đội tuyển TDDC Ảnh: FBNV
Với đội bắn súng, HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung có thể không quá mệt và phải theo sát xạ thủ Xuân Vinh, Quốc Cường như những cậu bé mới lớn. Thế nhưng, bà luôn túc trực liên tục tại phòng tập bắn để chỉnh chuyên môn sao cho phù hợp nhất. Có thể đây là kỳ Olympic cuối cùng của cả Vinh và Cường nên họ rất tập trung. Một điều đáng trân trọng là ở tuổi ngoài 40, cả 2 xạ thủ gạo cội của bắn súng Việt Nam luôn rất tôn trọng HLV nữ trưởng của mình và đều tiếp nhận sự chia sẻ chuyên môn rất cầu thị.
Cùng hướng đến vinh quang
Trong đoàn Việt Nam dự Olympic 2016, có những HLV đã 2 lần dự Olympic liên tiếp từ năm 2012 tới nay và cùng chính học trò của mình như HLV Nguyễn Thanh Thúy (TDDC, cùng VĐV Phan Thị Hà Thanh), HLV Nguyễn Thị Nhung (bắn súng, cùng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh), HLV Đặng Anh Tuấn (bơi lội, Ánh Viên). Ông Tuấn trước đây từng cùng dự Olympic với cựu kình ngư Nguyễn Hữu Việt.
Ít nhất, họ đã có 2 hoặc hơn 2 kỳ Olympic nên đủ đầy kinh nghiệm để biết sự quan trọng trong thi đấu Olympic như thế nào. Trên hết, ai cũng muốn một lần được xướng tên là người thầy của VĐV giành huy chương Olympic. Với thể thao Việt Nam, điều này vô cùng khó. Không phải HLV nào cũng được sự may mắn như thế. Do vậy, một số HLV đã chia sẻ khi được đưa VĐV thi đấu tại Olympic thì hồi hộp và lo lắng như chính bản thân mình đang thi đấu tại đây.
Tất nhiên, trong nhiều môn mà thể thao Việt Nam có VĐV được dự Olympic tới nay, không hẳn HLV huấn luyện VĐV và sau đó học trò của mình giành được vé đi Olympic cũng đồng nghĩa họ sẽ đi cùng. Chỉ tiêu quân số luôn có hạn. Đồng thời, những môn được nhắm triển vọng giành thành tích cao sẽ được ưu tiên hơn cả. Do vậy, có HLV từng đưa được học trò giành vé dự Olympic nhưng chưa một lần được vinh dự góp mặt ở đấu trường này.
Song hành Trong 23 VĐV dự Olympic 2016, thể thao Việt Nam chỉ có 4 chuyên gia đồng hành cùng là Park Chung Gun (Hàn Quốc, bắn súng), You Yanan (Trung Quốc, TDDC), Sergey (Nga, đấu kiếm), Donnelly (Australia, đua thuyền rowing). Từng chuyên gia ngoại có vai trò quan trọng riêng trong đội tuyển thể thao Việt Nam mà họ tham gia huấn luyện. Nhưng có thể thấy, chúng ta đang dần thích ứng nhiều và tận dụng nguồn lực là HLV nội dù thực tế có những môn phải có chuyên gia ngoại thì mới nâng tầm hiệu quả thành tích. Hoàng Quý Phước là 1 trong 23 tuyển thủ Việt Nam dự Olympic 2016. Tại Olympic này, đội bơi Việt Nam có HLV Đặng Anh Tuấn và Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước có mặt ở Brazil nên công tác tập luyện chuẩn bị chuyên môn cho Ánh Viên và Quý Phước trên tổng thể được tin tưởng cao nhất. Nếu nhìn rõ, Quý Phước không có HLV ruột đi cùng mình ở Brazil. Ông Tuấn giành nhiều thời gian tập trung vào mũi nhọn Ánh Viên nên với Phước cũng có thể chỉ quán xuyến phần nào khó đòi hỏi phải theo sát 24/24 được. Đây cũng là điều mà Phước gặp khó nhiều năm trở lại đây mỗi khi thi đấu các giải quốc tế. Một phần lý do, kình ngư nam số 1 Việt Nam thay đổi nhiều địa điểm tập huấn nên không có HLV đi theo dài hơi. |
NGUYỄN ĐÌNH
HLV Đặng Anh Tuấn luôn chỉ đạo sát sao cô học trò Ánh Viên. Ảnh: T.L