“Ngọc! Hãy cứu lấy các em con…”. Lời trăn trối day dứt trước lúc qua đời của người cha đã khiến Tiêu Vĩnh Ngọc - một đại ca giang hồ có số má thức tỉnh. Khi những khổ đau, tuyệt vọng về các đứa em ngập chìm trong ma túy, về một gia đình rạn nứt trong tuổi trẻ đó đã lùi xa, Tiêu Vĩnh Ngọc hiện đã trở thành ân nhân của rất nhiều gia đình. Anh hiện là chủ nhân của hệ thống 28 cơ sở cai nghiện tự nguyện.
Trung tâm cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc ở Trảng Bom, Đồng Nai
Sự trở về của “đại ca Ngọc”
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Tiêu Vĩnh Ngọc (sinh năm 1969) không lạ lẫm gì trong giới xã hội đen TPHCM. Sinh ra trong một gia đình có 9 anh em tại đất mỏ Cọc Sáu (Cẩm Phả, Quảng Ninh), cuộc sống bấp bênh, năm 1982, cha mẹ Ngọc đưa cả nhà vào Nam lập nghiệp. Có thời gian, Ngọc bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề: công nhân ở mỏ đá Khe Lá (Hà Tiên - Kiên Giang); làm vườn, xẻ gỗ thuê cho các chủ đồn điền ở Sông Bé. Nhưng mấy nghề đó khó khăn dần, không đủ sống, anh quay về TPHCM với hai bàn tay trắng, không có công ăn việc làm, cuộc đời bấp bênh trước nhiều ngã rẽ.
Được một người quen rủ rê, Ngọc nhập vào băng đảng bảo kê nhà hàng, vũ trường ở Tân Cảng, theo nghề dao kiếm mưu sinh. Không lâu sau, Tiêu Vĩnh Ngọc trở thành dân anh chị trong giới giang hồ cộm cán ở TP. Dù có tiền nhưng khi quay đầu lại, thấy 4 đứa em ruột lún quá sâu vào cờ bạc, thuốc lắc, ma túy; cha mẹ quá đau khổ, gia đình rạn nứt… đã làm anh thức tỉnh. “Tôi quyết định “rửa tay gác kiếm” từ năm 2000. Động lực để vượt lên chính là 4 người em bị nghiện”, anh cho biết. Lời trăn trối của cha, những giọt nước mắt trên gò má khắc khổ của mẹ trước cảnh mấy đứa con vật vạ trong cơn nghiện… Vết thương lòng đó đã thôi thúc anh bằng bất cứ giá nào cũng phải giúp các em. Sau nhiều lần cố gắng cai nghiện, 4 đứa em vẫn là nô lệ của làn khói trắng.
Rồi may mắn đã cho anh gặp được phương thuốc cắt cơn. Biết đây là loại thuốc bằng thảo dược có thể cắt được cơn nghiện, người đàn ông học chưa hết lớp 4 tập trung nghiên cứu, bổ sung thêm những thành phần khác. Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định “nghiện” để thử tác dụng của thuốc trên chính cơ thể mình.
“Tôi bắt đầu chơi ma túy từ những thứ rẻ tiền cho đến thứ đắt tiền nhất. Từ đó, quá trình thử thuốc bắt đầu: Tôi thử cho đến khi nào thuốc có tác dụng nhất định với cơ thể của mình, điều đó chỉ những người nghiện ma túy mới biết rõ được. Tôi đã từng thử một lúc 80 liều (mỗi liều khoảng 50ml) và có lần say thuốc. Nhờ đó mà tôi nhận ra hiệu quả của bài thuốc này. Tác dụng của thuốc đạt tới đỉnh điểm khi đối diện với ma túy mà không còn bị “thúc” và lên cơn vật, nghĩa là đối diện với ma túy hoàn toàn tự chủ - như một người bình thường”, anh kể.
Năm 2002, anh tự cai nghiện cho mình thành công rồi tiếp tục cai cho 4 đứa em. Mười mấy năm sau, “đại ca” Ngọc ngày nào đã trở thành ân nhân của rất nhiều người nghiện ma túy.
Cuộc chiến thầm lặng
Ngay sau khi giúp các em thoát nghiện, anh quyết định đem bài thuốc về chính quê hương để thử nghiệm. Thời điểm năm 2005, Cẩm Phả là điểm nóng nổi tiếng Quảng Ninh và cả nước về nạn ma túy. Anh gặp nhiều trở ngại, vừa phải tìm người nghiện vận động cai, vừa không có địa điểm cai nên phải bỏ tiền thuê chỗ để “cai chui”. Và khó nhất là lòng tin về hiệu quả của bài thuốc đối với người cai và gia đình họ. Giai đoạn này, cơ sở cai chui của anh gặp không ít e ngại và cả cảnh giác của địa phương.
Anh Ngọc kể: “Đây là thuốc thảo mộc tổng hợp từ 14 loại cây khác nhau có khắp tại Việt Nam như trà xanh, lá vối, dây đau xương… nên người điều trị không rơi vào trạng thái ngủ li bì như nhiều phương pháp cắt cơn khác. Quá trình cắt cơn không vật vã, không có những biểu hiện bất thường như tự hành xác, sùi bọt mép hay biểu hiện như ở các phương pháp cai nghiện khác. Đặc biệt không có hiện tượng “dòi bò trong xương”, ít đi ngoài hoặc nôn nao. Sau 7 ngày người nghiện hoàn toàn tự chủ, ma túy không còn là nỗi ám ảnh của họ nữa, sức khỏe trở lại bình thường”. Thuốc cai của anh chỉ uống 1 liều duy nhất 50ml. Nhưng để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, phải đồng bộ cùng những phương pháp cai nghiện nghiêm túc. Đó là sự kết hợp với cảm hóa, hòa đồng, động viên, khích lệ người nghiện, chia sẻ tâm tư tình cảm, lấy người nghiện cai cho người nghiện và chăm sóc giúp đỡ nhiệt tình.
Thời gian dần qua, anh thành công với một số người nghiện tự nguyện. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều người từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Huế… tìm đến cơ sở của anh. Có nhiều người sau khi cai thành công đã xin phép anh mở cơ sở cai nghiện tại địa phương. Không ít người khi đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” đã trở lại mạnh dạn làm giàu, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác…
30 tuổi nhưng có đến gần 14 năm sống với ma túy, anh Sùng A Quý, quê Bắc Giang cho biết: “Từ khi đi học, tôi đã thử ma túy một lần và xem đó chỉ như trò chơi. Không ngờ, thời gian sau tôi nghiện rất nặng. Đó là những ngày tháng địa ngục, nghiện - đi cai - tái nghiện - lại đi cai với rất nhiều phương pháp đông tây y, tại trung tâm tư nhân có, nhà nước có. Cái vòng luẩn quẩn ấy đeo bám tôi 14 năm trời, không dứt nổi. Mọi đau khổ sẽ không dừng nếu tôi không biết tới “thầy Ngọc”. Gia đình đọc trên báo thông tin về trung tâm cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc đã đưa tôi lên trung tâm Sông Thao, Trảng Bom, Đồng Nai”. Cũng từ ngày đó, Quý đoạn tuyệt ma túy.
Còn anh Trần Văn Long, 36 tuổi, quê Phủ Lý, Hà Nam lại đến với “nàng tiên nâu” vì chán nản sau khi chia tay bạn gái. Tháng 4-2012, gia đình đưa anh đi cai tại trung tâm của anh Ngọc. “Trước đây, tôi cai ở nhiều chỗ khác, 3-4 tháng được về nhà là tôi liền đi tìm ma túy để giải tỏa cơn thèm. Nhưng 3 năm nay thì không. Tôi coi thầy Ngọc như người sinh ra mình lần thứ hai. Bố mẹ sinh ra, tôi vướng vào thứ này, cuộc đời coi như mất. Nhưng đến đây cai nghiện, nhờ thầy, tôi bỏ được nó, làm lại cuộc sống và còn giúp được nhiều người lầm lỡ khác…”, anh Long chia sẻ.
Hiện tại, anh Ngọc có khoảng 28 cơ sở cai nghiện tự nguyện và nhân đạo mang tên Tiêu Vĩnh Ngọc trải dài trên toàn quốc. Hệ thống này được đánh giá là hình thức cai nghiện tư nhân có hiệu quả nhất. Tỷ lệ tái nghiện theo anh, tùy theo từng vùng miền, trong đó 3 tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An và Hà Nội có tỷ lệ không tái nghiện cao nhất cả nước, lên tới 60%. Anh trải lòng: “Cái gì cũng vậy, cần phải có thời gian nhất định thì người khác mới có đủ lòng tin, từ gia đình, xã hội, các cấp chính quyền địa phương đến tất cả mọi người”.
VÕ THẮM