Nhận cuộc gọi gấp gáp của ông N. lúc 4 giờ chiều, trung tá Phan Thanh Dũng (cảnh sát khu vực Công an phường 6 - quận 10, TPHCM) cùng bảo vệ dân phố xuống ngay nhà ông.
Đến nơi, thấy đối tượng đang hung hăng ầm ĩ, trung tá Dũng mời cả 2 về trụ sở công an phường làm việc. Tại đây, sau khi nghe anh Dũng giải thích quy định của pháp luật đối với hành vi đòi nợ sai trái, 2 đối tượng này viết cam kết không quấy rối gia đình ông N. nữa.
Một buổi sáng, anh Dũng nhận được điện thoại của người dân báo tin bà H. trở bệnh nặng. Bà H. tuổi đã cao, gia cảnh neo đơn, sống một mình không người chăm sóc. Hàng xóm phát hiện bà bất tỉnh, việc đầu tiên là báo cho cảnh sát khu vực.
Hay tin, anh Dũng lập tức đến nhà bà B., cùng mọi người đưa bà vào Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị. Đó là 2 trong những câu chuyện cho thấy bất cứ khi nào người dân cần, trung tá Phan Thanh Dũng đều có mặt.
Trung tá Phan Thanh Dũng trò chuyện, thăm hỏi người dân
Trong lòng người dân, anh Dũng là người luôn nhiệt tình vì công việc, trọn tâm với bà con. Cư dân ở khu phố 3 (phường 6, quận 10) đã quen thuộc với hình ảnh người cảnh sát khu vực mỗi ngày, dù là cuối tuần hay ngày nghỉ, đều đến nhà này nhà kia gặp gỡ, thăm hỏi, trò chuyện với những hộ dân trong khu vực.
Nhờ vậy, anh Dũng biết tường tận hoàn cảnh của từng nhà, cũng như nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khu phố để kịp thời giải quyết. Chẳng hạn, từ thông tin người dân cung cấp là có đối tượng lạ lảng vảng trong khu vực, anh Dũng ghi nhận, theo dõi, phát hiện kẻ khả nghi thì mời về trụ sở công an phường làm việc.
Hay qua phản ánh có hộ dân thả rông chó ngoài đường, anh Dũng gặp chủ nhà nhắc đeo rọ mõm cho chó và phải có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; đồng thời thông tin về những quy định trong Nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó nếu không rọ mõm chó bị phạt 600.000 - 800.000 đồng, thả rông chó bị phạt 100.000 - 1 triệu đồng.
Những ngày cuối năm, bên cạnh câu thăm hỏi hàng ngày, anh Dũng cũng nhắc người dân nâng cao ý thức cảnh giác, giữ gìn tài sản để vui tết cổ truyền được trọn vẹn.
Cũng nhờ sâu sát địa bàn nên tháng 4-2017, nhận được thông báo về một đối tượng bị truy nã theo tội “Tổ chức đánh bạc”, anh Dũng biết người này tuy đã bán nhà đi nơi khác nhưng vẫn có số điện thoại liên lạc.
Anh mời đối tượng lên làm việc, vận động đầu thú và bàn giao Công an quận 10. Đối với những người đã từng phạm tội, anh Dũng thường xuyên đến nhà động viên tinh thần để họ xóa đi mặc cảm về quá khứ lầm lỡ, đưa họ vào mô hình “5+1” (mô hình 5 đoàn thể ở địa phương cùng quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư) để họ từng bước hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả, 2 trường hợp đã có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình, đến nay chưa có biểu hiện tái phạm.
Với những thành tích trong công tác, trung tá Phan Thanh Dũng nhiều lần được Công an TPHCM và quận 10 tuyên dương các danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (từ năm 2010 đến năm 2014), điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015, gương “Tận tụy trong công việc”, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
Anh Dũng khiêm tốn cho rằng đó chỉ là những việc phải làm theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, quy định của Điều lệnh cảnh sát khu vực, chỉ đạo công tác của cấp trên; nhưng với người dân, trung tá Phan Thanh Dũng đã là chỗ dựa thân thuộc.
Như lời ông Huỳnh Chấn Thành (ngụ 457/49 Nhật Tảo) nói: “Anh Dũng làm cảnh sát khu vực ở khu phố 3 này được 4 năm rồi, lúc nào cũng sâu sát bà con. Anh là người tốt, được người dân tin tưởng nên bất kỳ khi nào có chuyện phát sinh, chúng tôi đều gọi điện thoại tìm anh”.