Trọn vẹn một tình yêu Hà Nội

Ở tuổi bách niên, ít xuất hiện trong những nghiên cứu mới, bài viết mới nhưng ảnh hưởng của Vũ Tuân Sán trong các công trình nghiên cứu về Hà Nội vẫn còn phảng phất, cho dù hiếm người ghi trích dẫn tài liệu tham khảo là trước tác của ông.
Trọn vẹn một tình yêu Hà Nội

Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán

Ở tuổi bách niên, ít xuất hiện trong những nghiên cứu mới, bài viết mới nhưng ảnh hưởng của Vũ Tuân Sán trong các công trình nghiên cứu về Hà Nội vẫn còn phảng phất, cho dù hiếm người ghi trích dẫn tài liệu tham khảo là trước tác của ông.

Chính vì lý do ấy, mà nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán vẫn được đánh giá là “nhà Hà Nội học của những nhà Hà Nội học, pho từ điển sống của đất kinh kỳ”.

Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán sinh năm 1915, ra ở làng Đại Từ (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) trong gia đình có truyền thống dạy học... Hà Nội là nơi ông sinh ra và lớn lên nên nghiên cứu về chính mảnh đất quê hương là đam mê vô tận. Cũng vì thế, ông đã có nhiều phát kiến đáng chú ý về lịch sử mảnh đất này.

Vũ Tuân Sán

Với phông kiến thức sâu rộng, lại tinh thông cả tiếng Hán, tiếng Nôm lẫn tiếng Pháp, ông là người đi đầu trong nhiều công trình nghiên cứu biên khảo về Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, với sự nghiên cứu tâm huyết của ông, nhiều vấn đề quan trọng về địa lý - văn hóa Hà Nội đã được làm rõ và chỉnh sửa. Từ lâu, ông đã được biết đến là một dịch giả thơ Hán Nôm nổi tiếng với bút danh Tảo Trang.

Ông kể, ngày còn công tác, ông phụ trách mảng bảo tồn bảo tàng ở Sở Văn hóa Hà Nội, vất vả, nhưng ông lại có niềm đam mê với công việc này. Ông thường đạp xe đi khắp nơi, cả ngoại thành và nội thành Hà Nội, tìm hiểu và thu thập những tư liệu quý, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Và nhiều vấn đề lịch sử đã được làm rõ trong những chuyến đi như thế. Chị Vũ Uyển Thanh, con gái của ông nhớ lại: “Ngày đó ba tôi thường xuyên vắng nhà và luôn mang theo chiếc túi, trong đó có đủ kim, chỉ, dao, kéo nhỏ để khi cần giữa đường có cái dùng. Bất chấp trời nắng hè gay gắt, cái lạnh cắt da thịt của mùa đông miền Bắc, ông vẫn có mặt ở từng di sản văn hóa ở Hà Nội để đọc, nghe và ghi chép bao câu chuyện truyền miệng, bao thần phả, thần tích ở trong dân gian”. Với vốn tiếng Hán uyên thâm, ông được thỏa sức nghiên cứu trong vô vàn tài liệu mà gần như chưa được khai thác ở mảnh đất vốn có cả ngàn năm lịch sử nên cũng rất giàu tiềm năng về lịch sử và văn hóa. Nhờ đó, nhiều tư liệu, di sản quý đã được ông kịp thời phát hiện và nghiên cứu, để lưu giữ vì cả yếu tố thời gian, thiên nhiên lẫn ý thức con người.

Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán đã sớm “khơi những nguồn chưa ai khơi” về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội từ 40, 50 năm trước. Đã lâu, người ta thấy vắng mặt nhà Hán học lão thành Vũ Tuân Sán ở những cuộc hội thảo về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cũng như các cuộc hội thảo về Hán - Nôm. Ông ít xuất hiện vì lý do sức khỏe, mắt mờ, chân chậm và nặng tai, song dấu ấn của ông vẫn luôn xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu về vốn văn hóa cổ. 

Và những người yêu Hà Nội hẳn vẫn chưa quên câu chuyện gây tranh cãi về vị trí núi Nùng và núi Sưa. Đã có một thời, nhiều người luôn lầm tưởng rằng núi Nùng nằm trong công viên Bách Thảo do đó mọi chỉ dẫn chú thích về địa danh đều ghi rõ là núi Nùng thuộc Bách Thảo. Song nhờ những nguồn tài liệu tốt, chính nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán là người đã góp phần trả lại cho ngọn núi đất trong Bách Thảo tên gọi đúng của nó là núi Sưa. Bên cạnh đó rất nhiều vấn đề khoa học của thủ đô đã được nhà Hán Nôm học này “khai phá” như: việc định đô Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ, thành Thăng Long - Hà Nội cùng với một loạt địa danh lịch sử như bến Đông Bộ Đầu, làng Mười Ba Trại... và các di tích như miếu Đồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn... 

Ngoài một số công trình đã xuất bản thành sách như Hà Nội nghìn xưa (đồng tác giả), Danh nhân Hà Nội (đồng tác giả) và đặc biệt là cuốn Hà Nội xưa và nay, một cuốn sách rất giá trị về Hà Nội, ông còn viết hàng trăm báo cáo khoa học và luận văn, bài báo công bố trên tạp chí khoa học uy tín. Cách đây vài năm, sức khỏe ông yếu dần, đi lại không còn vững như trước nhưng hàng ngày ông đều tranh thủ thời gian để đọc viết. Hai vật dụng được coi là vật bất ly thân của ông là một chiếc kính lúp và đèn pin nhỏ. Nhờ đó mà ông có thể tiếp tục đọc, tra cứu và tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với Hà Nội.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục