Ba năm trước tại sân Mỹ Đình, đội tuyển bóng đá nam Thái Lan dễ dàng đánh bại đội tuyển Việt Nam với tỷ số “đậm đà” 3-0, qua đó tiến vào vòng loại thứ 3 khu vực châu Á tranh vé dự World Cup 2018. Thế nhưng hôm 5-9, ngay trên sân nhà Thammasat ở Bangkok, người Thái bất lực trước Việt Nam, khiến thất bại 0-1 hồi tháng 6 ở King’s Cup 2019 vẫn là nỗi nhức nhối với các CĐV “Voi chiến”.
Trận hòa 0-0 vừa qua đã là trận đấu thứ 5 trong năm 2019 mà Thái Lan không thể thắng ở mọi cấp độ đội tuyển, bao gồm lứa trẻ U18, U23, đến đội tuyển nữ, trước Việt Nam. Con số đó ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá Việt Nam. Kết quả gắn liền với quá trình “trồng người trong bóng đá”, khởi đi từ hơn 10 năm trước, được thực hiện một cách khoa học và mang nhiều tâm huyết đến từ những nguồn lực xã hội.
Đào tạo cầu thủ thì không phải là chuyện mới mẻ, nhưng “trồng người trong bóng đá” chắc chắn là khái niệm mới, chỉ xuất hiện cùng lúc với sự tham gia của các doanh nhân vào bóng đá Việt Nam cách đây gần 2 thập niên. Điều đó đã làm thay đổi quan niệm nghiệp “quần đùi, áo số” thành “nghề đá bóng” khi nói về các cầu thủ. Nguồn cầu thủ thì vẫn như cũ, chủ yếu đến từ đồng quê, các địa phương xa, cùng các giấc mơ đổi đời của cha mẹ. Nhưng phương thức đào tạo thì thay đổi toàn diện, với các phương pháp hiện đại, cơ sở vật chất tốt hơn và điều quan trọng là tầm nhìn của những nhà đầu tư, các HLV có nhiều thay đổi so với trước đây.
Các cầu thủ được đào tạo để có thể làm giàu từ nghề nghiệp, kéo dài thời gian thi đấu, tự tin tiếp cận với cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Chính những mục tiêu tham vọng ấy đã thay đổi năng lực của cầu thủ Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, có thể lứa cầu thủ trẻ hiện tại chưa giỏi hơn các thế hệ trước, nhưng về kỹ năng, tư duy chiến thuật và đặc biệt là tâm lý thi đấu rõ ràng đã có tiến bộ vượt bậc, nhờ đến từ công tác “trồng người”. Với một thế hệ cầu thủ như vậy, nên khi gặp được một HLV phù hợp, như ông Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã thăng hoa với tốc độ cực nhanh, tiến một quãng đường xa hơn 20 năm trước cộng lại.
Thế nhưng, nếu nói giáo dục con người là một dòng chảy không ngừng thì bóng đá Việt Nam, dù đang ở giai đoạn cực thịnh, cũng cần phải có chiến lược cụ thể hơn trong việc “trồng người”. Bởi, thực tế cho thấy, có những dấu hiệu “đứt đoạn” đã xuất hiện, cảnh báo nguy cơ không kịp xuất hiện thế hệ kế tiếp một cách kịp thời. Điều này có thể thấy ngay từ trận đấu vừa qua trước Thái Lan. Người Thái có thể đang ở giai đoạn khủng hoảng về thành tích nhưng xét về chất lượng cầu thủ, họ vẫn giữ được sự ổn định. Bóng đá Thái gặp khó khăn nhưng họ cũng trở lại rất nhanh, cũng dựa trên nền tảng đào tạo có chất lượng. Bằng chứng là, đội tuyển U23 của họ để thua Việt Nam 0 - 4 hồi tháng 6 nhưng vẫn có 7 cầu thủ trẻ được gọi lên đội tuyển quốc gia và thể hiện tốt khi chơi chung với các đàn anh đang thi đấu tại Nhật Bản.
Mặc dù không thắng được Việt Nam, nhưng Thái Lan còn tiến bộ hơn trong tương lai gần là điều tiên liệu được. Ngược lại, việc HLV Park Hang-seo hầu như không thể phát hiện ra được nhân tố mới nào gần 1 năm vừa qua là chi tiết đáng lo ngại. Chúng ta đang đặt mục tiêu đi rất xa tại vòng loại World Cup, duy trì vị thế ở giải U23 châu Á đầu năm sau, đoạt HCV ở SEA Games cuối năm nay, nhưng thực tế là HLV Park Hang-seo đang rất khó khăn trong việc tìm người ở V-League, còn các lứa trẻ U19, U16 hiện nay đều sa sút thành tích so với những lứa đàn anh.
Một lần nữa, công tác “trồng người trong bóng đá” để nhận quả ngọt tương lai đang rất cần đến tầm nhìn và sự đầu tư bài bản, chiến lược của những người có chức trách.