Báo cáo chuyên đề Climate Tech (tạm dịch Công nghệ khí hậu) của Cơ quan Đổi mới Israel (IIA) cho hay, chỉ trong năm qua, khoảng 10% công ty công nghệ cao được thành lập tại Israel đã đầu tư phát triển các công nghệ chống biến đổi khí hậu. Từ năm 2014, đã có sự phát triển mạnh về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) tại Israel tham gia chống biến đổi khí hậu, đưa số start-up lên 637 công ty. Các doanh nghiệp này bao gồm 5 lĩnh vực chính: nông nghiệp thân thiện với khí hậu, năng lượng sạch, giao thông bền vững, tiết kiệm nước và protein thay thế (thịt nhân tạo).
Hầu hết start-up đều mới được thành lập trong 7 năm qua và có số nhân viên dưới 10 người. Số vốn đầu tư cho các doanh nghiệp chống biến đổi khí hậu ngày càng tăng nhanh. Đã có trên 560 tổ chức đầu tư vào các start-up chống biến đổi khí hậu của Israel, với tổng số vốn đầu tư lên tới 2,97 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này đã tương đương 40% của giai đoạn 3 năm trước đó.
Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành IIA Dror Bin cũng cho biết thách thức lớn nhất đối với các start-up trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu hiện nay tại Israel là tìm kiếm nguồn vốn, môi trường thử nghiệm và các rào cản pháp lý. Ngoài ra, đến nay khu vực tư nhân vẫn chưa có một tổ chức nào chuyên đầu tư cho chống biến đổi khí hậu và Chính phủ Israel vẫn là nhà đầu tư lớn nhất cho lĩnh vực này.
Theo giới quan sát, không chỉ riêng Israel, việc nhiều nước đang chạy đua cắt giảm lượng khí thải đã thúc đẩy làn sóng đổi mới. Ngay cả khi thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn từ đại dịch Covid-19, một khoản đầu tư mạo hiểm kỷ lục trị giá 17 tỷ USD đã được bơm vào lĩnh vực gọi là “công nghệ khí hậu” trong năm 2020, cao gấp 3 lần tổng số tiền dành cho lĩnh vực trên 4 năm trước.