
Anh Đinh Bá Lộc ở ấp 1 xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh TPHCM) đã xây được một căn nhà khang trang. Nhiều người ngạc nhiên khi biết anh có được cơ ngơi đó là nhờ chăm bẵm với nghề trồng sen bán ngó.

Đất đai trong vùng trũng, mỗi năm gia đình anh làm 2 vụ lúa năng suất bấp bênh, năm trúng mùa thu hoạch khoảng 100-120 giạ/ha, tằn tiện lắm chỉ đủ ăn đến mùa giáp hạt. Từ năm 1986-1987, các con kênh thủy lợi ở địa phương bị nước thải từ các nhà máy thải ra gây ô nhiễm, hầu như không có cây gì sống được, anh Lộc đành bỏ đất hoang.
Vài lần sang rạch Cát (quận 8), Bình Hưng Hòa (Bình Tân) thấy cây sen trồng trong vùng nước đen vẫn sinh trưởng tươi tốt, anh Lộc về gia cố bờ bao, lắp đặt cống, xin vài bụi về trồng thử, không ngờ cây sen cũng “hạp” với chân ruộng. Ban đầu dè dặt trồng khoảng 5.000m2, sau thấy chắc ăn anh tăng lên 10.000m2, rồi 20.000m2 (2ha).
Cây sen đến thời kỳ thu hoạch ra ngó liên tục, nông dân có thể hái quanh năm. Với 2ha ao sen, 2 ngày hái một đợt 70-80kg, mỗi tháng được 1.000-1.200kg, bán tại ruộng cho mối lái bình quân 6.000đ/kg kiếm được hơn 6 triệu đ/tháng, hiệu quả gấp 20 lần so với cây lúa.
Anh Lộc cho biết: “Cây sen không có thứ nào bỏ: ngó sen dùng làm gỏi; lá sen gói tôm cá; gương sen dùng để chưng; hạt sen dùng làm mứt và củ sen dùng làm thuốc Bắc. Thứ nào bán cũng có tiền. Cái cực là lúc thu hoạch phải ngâm mình dưới nước dơ, nhưng khi xong dùng thuốc tẩy hoặc ô-xy già vuốt qua một lượt là mình mẩy, tay chân sạch sẽ”.
Theo anh Lộc, cùng một giống nhưng cây sen trồng ở vùng nước đen, ngó có màu sắc trắng tinh, cọng mềm và vị ngọt, trong khi cây sen trồng ở vùng nước sạch không có những đặc điểm đó. Vì vậy, mỗi lần bà con ở đây thu hoạch ngó sen, có bao nhiêu mối lái đều mua hết.
Hiện nay không chỉ ở các xã Vĩnh Lộc B, Phong Phú, Tân Kiên, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân… (huyện Bình Chánh), mà ở nhiều địa phương khác như Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa B… (quận Bình Tân) cũng có nhiều nông dân trồng lúa xen canh sen hoặc trồng sen kết hợp nuôi cá với diện tích không dưới 50ha, đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Một số nông dân như hộ anh Dương Sĩ Được, Dương Công Khanh, Nguyễn Văn Dây xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) trồng 2ha-3ha, đạt lợi tức 100 triệu-150 triệu đồng/năm.
TRẦN CÔNG TẠO