LTS: Vừa qua, trước phản ứng quyết liệt của báo chí và người hâm mộ về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ công tác Học sinh-Sinh viên kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thể thao Sinh viên-Học sinh Việt Nam Ngũ Duy Anh cho biết: “Bộ phận tư vấn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ làm tờ trình lên Bộ trưởng đề nghị tổ chức 17 môn thi đấu, trong đó có cả Judo và Wushu. Trong tháng 2 tới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ công bố điều lệ chính thức của HKPĐ toàn quốc 2008 để các địa phương chuẩn bị”.
Trước thông tin Judo dự kiến không được đưa vào thi đấu tại HKPĐ năm 2008 với lý do “môn thể thao nguy hiểm” đã khiến trọng tài Judo quốc tế Lê Thanh Toàn rất bức xúc.

Ông được xem là trọng tài uy tín nhất Việt Nam hiện nay (từng là Tổng trọng tài Judo tại HKPĐ 2004), liên tục tham gia điều hành các kỳ SEA Games và các giải vô địch cấp châu lục. Ông Lê Thanh Toàn đã có cuộc trao đổi với SGGP Thể Thao...
- Tại HKPĐ năm 2004 đã có những trường hợp võ sĩ Judo bị chấn thương, đó là lý do Bộ GD-ĐT không đưa môn này vào thi đấu. Vậy ý kiến của ông thế nào?
Với tư cách là người chứng kiến trực tiếp, cũng như là dân trong làng Judo với nhau nên “người quen, kẻ lạ” đều nhận diện dễ dàng. Nên tôi có thể nói thẳng, tại HKPĐ toàn quốc lần trước, vì chạy theo phong trào và để được cộng điểm thi đua mà nhiều đơn vị đã đưa quân lạ hoắc, thậm chí từ các môn khác chuyển sang. Họ không vi phạm điều lệ thì cứ vào thi đấu được thôi.
Nên khi có kết quả bốc thăm, thậm chí HLV của các đơn vị ấy cứ chạy tới, chạy lui hỏi xem đối thủ trình độ thế nào. Nếu mạnh quá, họ sẵn sàng... chấp nhận bỏ cuộc. Cảm thấy đọ sức được thì cho quân ra đánh, thắng trận nào hay trận đó. Vì thế, đã có 2 trường hợp chấn thương đáng tiếc là bị gãy tay do quá chênh lệch đẳng cấp và hình thể (lớp 9 đấu với lớp 6).
- Như vậy là do điều lệ có kẽ hở về đối tượng?
Dĩ nhiên. Những chấn thương xảy ra tại HKPĐ đa số đều là hậu quả của điều lệ cả. Đơn cử, điều lệ giải Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc rất chặt chẽ: đối tượng tham dự phải từ đai cam trở lên, đồng thời chia nhỏ đối tượng tranh tài từ 12-13 tuổi (tương đương lớp 6-7) và từ 14-15 tuổi (lớp 8-9); các hạng cân cũng chia nhỏ khoảng cách trọng lượng: 42-46-50-55kg...
Trong khi điều lệ HKPĐ dành cho mọi đối tượng là học sinh (không giới hạn trình độ); độ tuổi học sinh THCS không chia nhỏ ra mà đánh chung với nhau hết. Nghĩa là học sinh lớp 6 có khi phải đọ sức với học sinh lớp 9.
Thậm chí, vì do chỉ có vài bộ huy chương của hệ THCS nên khoảng cách hạng cân thi đấu rất lớn, có hạng cách nhau từ 63-71kg, đồng nghĩa với việc học sinh 63,5kg có khi phải đấu với đối thủ có trọng lượng 70,5kg. Khoảng cách tuổi tác và trọng lượng quá lớn nên rủi ro là điều hiển nhiên.
- Lẽ nào Điều lệ ban hành mà không có sự can thiệp hay góp ý của giới chuyên môn?
Tôi cũng không rõ phía Bộ GD-ĐT nghiên cứu theo cách thức nào. Có lẽ Bộ GD-ĐT đã không nghiên cứu đến văn bản số 064 của UBTDTT. Văn bản chuyên môn quy định đối với VĐV Judo lứa tuổi 13 trở xuống tại các giải trẻ, các giải thanh thiếu niên - nhi đồng là cấm sử dụng 6 kỹ thuật có khả năng gây ra rủi ro cho các em nhỏ, dù những đòn này vẫn được sử dụng được ở các lứa tuổi cao hơn.
Tôi xin nhấn mạnh: Tất cả các điều lệ của giải TTN-NĐ toàn quốc về các đòn cấm... khi ban hành đều tham khảo rất kỹ từ điều lệ được áp dụng trên thế giới, đặc biệt là các giải vô địch học sinh của Nhật. Quy định của họ rất chặt chẽ và khoa học, nên BTC HKPĐ đừng tùy tiện đặt ra cái của riêng mình.
- Quan điểm của riêng ông về vấn đề này?
Tôi hết sức bất ngờ khi biết thông tin không đưa Judo vào HKPĐ. Bản thân tôi sẽ không hề biết chuyện, nếu không... đọc báo. Có lẽ Bộ GD-ĐT nên xem xét lại vấn đề này. Đừng thấy hiện tượng xấu (mà cái xấu này do điều lệ quá hở) để quy chụp bản chất bộ môn Judo vì đây là môn thi đấu của Olympic.
Chính tại HKPĐ đã sản sinh ra những tên tuổi Judo làm rạng danh thể thao nước nhà hiện nay như: Ngọc Tú, Bích Vân, Duy Hải, Bích Trầm, Bích Sơn... Tôi biết, Judo hiện phát triển phong trào rất lớn tại các trường học từ TPHCM đến khắp các tỉnh ĐBSCL.
Quyết định không đưa môn Olympic này vào HKPĐ chẳng khác nào phá bỏ một nền tảng phong trào Judo học đường đang được gầy dựng hiệu quả.
HIẾU DÂN (thực hiện)