Đi sâu chút nữa thấy tấm gốm tráng men kích cỡ tương tự, chân dung bà Maria da Luc đang giặt áo. Cánh cửa sắt cạnh đó mở ra một khu bể xi măng chia thành từng lô giặt, sẵn xô chậu, vòi nước, cả tấm chăn đang ngâm trong bọt xà phòng trắng xóa.
Ấn tượng những tấm xi măng mặt nghiêng 45 độ, hướng xuống lòng bể, tiện cho các bà các chị tì người, chà xát xà phòng lên quần áo. Chắc Maria là chủ nhân của một nhà giặt tập thể kiểu cũ còn tồn tại ở Alfama.
Sống tại một quận cổ còn đầy dấu tích những năm tháng vàng son của đế quốc hùng mạnh như thế, mỗi người dân thường ở đây lớn lên và già đi trong bầu dưỡng khí nghệ thuật. Rồi họ biến hình vào những tấm Azulejo kích cỡ nhỏ bé, khiêm nhường nhưng ngập tràn niềm vui khó tả.
Những tác phẩm ấy đủ khiến du khách đang lang thang chợt dừng lại, ngẩn người ra ngắm: ông cụ Mario khoác áo vải, đứng trước khung cửa nhỏ của ngôi nhà bộn bề bao tải, xô, búa và gậy gộc; 3 bà bạn già đang ngồi trên băng ghế gỗ, vừa cười nói vừa nghiêng những mái đầu tóc bạc như bông vào nhau... Con người ở đây chính là di sản.
Chính cái cảm giác nhìn vào góc nào cũng thấy tác phẩm nghệ thuật khiến cho Bồ Đào Nha cuốn hút, thậm chí có thể cạnh tranh ngang ngửa với Pháp, Ý về du lịch chăng? Nhưng có một điều tôi chắc chắn, người dân ở đây không chỉ yêu nghệ thuật, phong cách sống của họ cũng là nghệ thuật. Vừa ý thức, vừa tự nhiên, họ truyền cảm hứng ấy sang cho du khách.
Tại quảng trường thương mại Praca do Comércio lộng gió, hướng ra bờ sông Tagus, trên bờ kè đầy cát và sỏi đá, một người dân thường chạy vội ra, thò đầu xuống gọi nhóm du khách đang tò mò tiến tới các ụ cát lô nhô để chụp ảnh: “Tác phẩm nghệ thuật đấy, xin đừng làm hỏng”. Quả thật, một chuỗi các tạo hình người và tháp từ nghệ thuật xếp đá cân bằng, và nằm sâu dưới các gò cát là một đàn khủng long, cá sấu, voi điêu khắc cát. Không chăng dây, biển báo hoặc bố trí bảo vệ nhắc nhở, chỉ thấy người dân và đôi khi chính là khách du lịch, người đến trước nhắc người đến sau: “Cẩn thận bước chân nhé, tác phẩm nghệ thuật đấy!”.
Từ sống lưng khủng long và đôi mắt voi bằng cát, lại thấy ánh lên màu xanh tím azu (trong từ azulejo) quyến rũ và thống nhất.
Thực ra, đó không phải là việc của anh lễ tân nhà trọ, anh cũng chẳng nhận thêm được đồng tip nào, vậy mà cứ tha thiết: “Các anh chị muốn từ Porto đi thành phố Aveiro bằng xe bus cũng được, nhưng tôi khuyên đi tàu. Chỉ chạy hơn tiếng là tới, giá vé không đắt hơn là bao, lại còn được ngắm nhà ga Porto. Đó cũng là điểm tham quan rất đẹp của chúng tôi”.
Từ lối vào sảnh chính nhà ga lớn Porto, người ta có thể nhầm tưởng mình đang đến bảo tàng. Tại thủ đô Lisbon có riêng bảo tàng Museo Nacional Del Azulejo triển lãm các tác phẩm mosaic đặc trưng Azulejo của Bồ Đào Nha qua 5 thế kỷ (từ năm 1509). Nếu là bảo tàng, ra vào phải xin phép, mua vé.
Còn tại ga Porto, người ta cứ thoải mái mà ngửa cổ ngắm, chụp các tác phẩm Azulejo lớn, tái hiện cảnh chiến trận, cày cấy, chợ búa và nhiều sinh hoạt đời thường như: bà mẹ ngồi giữa vạt lúa mì cho con bú, những người đàn bà trèo thang hái và đội từng giỏ ô liu về nhà...
Khách mỏi thì ngồi lên cả vali, có khi còn mong tàu không cần đến đúng giờ. Tất cả chỉ là để được ngắm Azulejo cho thỏa thích.