Bước vào những ngày đầu năm 2010, nhà văn nữ Bích Ngân gây bất ngờ khi cho ra mắt bạn đọc không chỉ một mà những ba tác phẩm văn học cùng một lúc.
Nhà văn nữ đầu tiên viết tập truyện hài
Có lẽ hiếm có nhà văn nào cùng lúc cho ra mắt nhiều tác phẩm đến thế. Không những vậy, mỗi tác phẩm lại có một phong cách thể hiện khác nhau. Nếu tập truyện ngắn Làn gió hôm qua không có gì bất ngờ vì đây là phong cách sở trường của chị thì hai tác phẩm còn lại hoàn toàn gây ngạc nhiên: tiểu thuyết đầu tay với nhan đề Thế giới xô lệch và tập truyện ngắn hài hước Trăng mật ở đảo mà theo nhà thơ Lê Minh Quốc là đã đưa Bích Ngân trở thành nhà văn nữ đầu tiên viết hẳn một tập truyện hài.
Tuy nhiên, thực ra sự xuất hiện cùng lúc của ba tác phẩm văn học trên chỉ mang yếu tố thời gian xuất bản chứ không đồng nghĩa với thời gian sáng tác. Trên thực tế, tiểu thuyết Thế giới xô lệch có thời gian nung nấu, sáng tác đến 17 năm!
17 năm trước, khi còn là một người trẻ đầy nhiệt huyết tại trường viết văn Nguyễn Du, Bích Ngân đã sáng tác một truyện vừa dài vỏn vẹn 50 trang đánh máy với nhan đề hơi có vẻ ủy mị: Đò ơi… Truyện vừa này sau đó được chị dùng làm tác phẩm tốt nghiệp và được Hội đồng giám khảo chấm điểm 10.
Ra trường, sau 17 năm bộn bề trong công việc và trong cả những nỗi niềm phức tạp của cuộc sống hôm nay, những trang viết của một thời tuổi trẻ sống lại trên những trang giấy. Thế nhưng thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ, để Đò ơi… thành Thế giới xô lệch và những trải nghiệm cuộc sống làm các nhân vật trở nên sâu hơn, bối cảnh trong tác phẩm cũng rộng hơn với nhiều chiều cả thời gian lẫn không gian. Chỉ có điều, như khẳng định của nhà văn, cái sườn xuyên suốt, ý tưởng chính của tác phẩm vẫn không thay.
Thế giới của những vết thương
Nhân vật chính của Thế giới xô lệch là một người lính trở về sau chiến tranh với những vết thương nặng nề của thể xác. Anh được mọi người đón nhận trong sự thương yêu và lấy một người vợ xinh xắn như mọi người đàn ông khác.
Bi kịch chỉ ở chỗ, những vết thương không thể cho anh làm được những điều mà một người đàn ông bình thường có thể làm. Anh không thể dù chỉ là đóng một cây đinh cho vợ mắc màn, không thể mua quà tặng và nhất là không thể yêu vợ như một người lành lặn bình thường.
Đau đớn với sự không bình thường của mình, anh thu mình lại, mở rộng cảm xúc của mình ra xung quanh để quan sát mọi người. Có lẽ, nhiều bạn đọc khi bắt đầu đọc Thế giới xô lệch hẳn sẽ nghĩ rằng với cơ thể tật nguyền, nhân vật chính hẳn cũng sẽ nhìn thế giới theo lăng kính tật nguyền. Đó cũng là mô típ quen thuộc trong văn học nhưng không phải là mô típ của Thế giới xô lệch.
Điều kỳ lạ là chính con người tật nguyền đó lại là người duy nhất bình thường trong xã hội quay quanh anh. Nói cách khác, dù mang nỗi đau thể xác nhưng bên trong nhân vật chính lại là sự lành lặn về tinh thần trong khi đó một số người quanh anh dù lành lặn về thể xác nhưng mỗi người lại có những vết thương về tinh thần nặng nề và đau đớn.
Một điều rất đặc biệt là trong bộ ba tác phẩm này dù khác nhau nhiều về thể loại sáng tác nhưng lại có sự thống nhất. Nói một cách nào đó, Thế giới xô lệch đào sâu vào nỗi đau nội tâm nhân vật thì Làn gió hôm qua lại mở rộng cánh cửa tâm hồn đến với những nỗi đau của cuộc sống. Dù mang đậm tính trào phúng nhưng Trăng mật ở đảo thực chất cũng là một cách nhìn khác, một cách nhìn hài hước về những nỗi đau cuộc sống hay nội tâm.
Tường Vy