Trồng trẩu, nguồn sinh kế cho người dân huyện miền núi Quảng Trị

Ngày 4-1, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Theo đó, cây trẩu là cây gỗ trung bình, đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, có thể đáp ứng được nhu cầu lấy nguyên liệu trong thời gian sớm nhất, sớm tạo thu nhập liên tục cho người trồng; giúp người dân cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo, vừa góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng.

Người dân huyện miền núi Hướng Hóa vào rừng nhặt quả trẩu để kiếm thêm thu nhập

Người dân huyện miền núi Hướng Hóa vào rừng nhặt quả trẩu để kiếm thêm thu nhập

Được biết, hiện nay huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có khoảng 2.948,8ha rừng trẩu, chiếm 1,6% tổng diện tích rừng của 2 huyện, chiếm khoảng 21,3% tổng diện tích cây trồng trẩu trên cả nước (13.850ha). Hoạt động thu hoạch, sơ chế quả trẩu hiện nay diễn ra chủ yếu tự phát, manh mún, chưa đúng kỹ thuật, thời vụ nên chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Nhằm tập trung phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch “Phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2026, định hướng đến năm 2030” với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2023 – 2026 dự kiến 16,26 tỷ đồng.

Cây trẩu được trồng phổ biến ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị vừa tạo cảnh quan, vừa cho thu hoạch quả

Cây trẩu được trồng phổ biến ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị vừa tạo cảnh quan, vừa cho thu hoạch quả

Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2023-2026, bảo vệ, duy trì ổn định, nâng cao chất lượng 2.948,8ha rừng trẩu hiện có, phấn đấu đạt năng suất quả từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên, có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng và bền vững...

Trồng mới bình quân khoảng 500ha/năm, trong đó tỷ lệ giống cây trẩu được tuyển chọn, nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn gốc đạt từ 50% trở lên; Hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 5.000ha, hàng năm cung cấp 2.000 tấn hạt trẩu phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Hình thành 1 cơ sở sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất trung bình 500 – 1.000 tấn hạt/năm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tối thiểu 1.000 hộ gia đình tham gia được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trấu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình. Hàng năm giải quyết việc làm ổn định theo mùa vụ cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới.

Thương lái tới tận nhà để thu mua quả trẩu cho người dân

Thương lái tới tận nhà để thu mua quả trẩu cho người dân

Đến năm 2030, hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8.320ha, hàng năm cung cấp 4.000 tấn hạt trẩu chất lượng cao, phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu...

UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh công bố rộng rãi kế hoạch để các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, người dân trong tỉnh biết để thực hiện, đồng thời thu hút đầu tư của các tổ chức, đơn vị trong nước và nước ngoài vào việc phát triển vùng nguyên liệu trẩu.

Tin cùng chuyên mục