Trung Đông: Bạo lực còn tiếp diễn

Hai kịch bản cho Yemen
Trung Đông: Bạo lực còn tiếp diễn

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ một quan chức Chính phủ Saudi Arabia cho biết sức khỏe của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã dần ổn định. Hơn bao giờ hết, tình hình sức khỏe của ông Saleh đang rất được quan tâm bởi điều này sẽ góp phần không nhỏ đối với thay đổi cục diện tại Trung Đông hiện nay.

Người dân Yemen tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ đòi cải cách chính trị.

Người dân Yemen tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ đòi cải cách chính trị.

Hai kịch bản cho Yemen

Trong khi những người trung thành với ông Saleh hân hoan chào đón tin ông sẽ sớm trở về nước thì các nhân vật đối lập cho biết mối quan tâm chính của họ là buộc ông Saleh phải chuyển giao quyền lực bất kể ông ta có trở về nước hay không.

Phe đối lập hôm 9-6 đã thông báo tới đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc Yemen rằng họ sẽ thành lập một hội đồng chuyển tiếp sau một tuần nếu không có sự chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi, người đã được bổ nhiệm làm quyền Tổng thống hôm 4-6.

Ali Seif Hassan, nhà phân tích chính trị Yemen, cho rằng sẽ có 2 kịch bản cho Yemen tại thời điểm này. Thứ nhất, đây có thể là lần “một đi không trở lại” của ông Saleh, nhằm dọn đường cho việc chuyển giao quyền lực ở Yemen. Điều này đúng với kịch bản của sáng kiến hòa bình vùng Vịnh, theo đó ông Saleh phải từ chức trong vòng 1 tháng sau khi cho phép thành lập nội các mới do phe đối lập lãnh đạo.

Một số nhà phân tích cho rằng đối mặt với sức mạnh của phe đối lập không ngừng gia tăng, cùng với sự tham chiến trực tiếp của các bộ lạc có vũ trang, ông Saleh thực tế đã bị cô lập hoàn toàn, khó có thể làm dịu tình hình. Thứ hai, nếu như một người thân tín của ông Saleh ngồi vào chiếc ghế tổng thống bỏ trống hiện nay, Yemen sẽ tiếp tục chìm đắm trong bạo lực.

Syria bên bờ nội chiến?

Còn tại Syria, tình hình bạo lực vẫn diễn ra hết sức căng thẳng. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton đã phải kêu gọi Syria cho phép các cơ quan cứu trợ quốc tế được vào Syria để giúp đỡ những thường dân đang phải chịu hậu quả mỗi ngày. Ước tính đã có hơn 1.300 dân thường thiệt mạng kể từ khi bạo loạn bùng phát ở Syria hồi tháng 3 vừa qua.

Các nhà phân tích quan ngại rằng Syria đang đứng bên bờ của một cuộc nội chiến. Chính quyền Syria cho biết lực lượng cảnh sát tại thị trấn Jisr al-Choughour đã bị sát hại bởi “các nhóm vũ trang” chống đối Tổng thống Bashar al-Assad. Chính phủ của ông Assad đang sử dụng các biện pháp bạo lực cực đoan để đàn áp các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, một số nguồn tin lại cho rằng số thương vong nói trên là kết quả cuộc binh biến của các lực lượng an ninh, cho thấy những rạn nứt trong Chính phủ Syria.

Mohamad Bazzi-chuyên gia của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Mỹ-nhận định: “Nếu thực sự có những đơn vị quân đội hoặc các nhóm binh lính rời bỏ hàng ngũ để giúp đỡ những người biểu tình thì chính phủ của ông Assad đang phải đối mặt với một cuộc nổi dậy có quy mô hoàn toàn khác. Đây có thể là bước ngoặt đưa Syria tiến gần hơn tới một cuộc nội chiến”.

Tổng thống Libya sẽ ra đi?

Trong khi đó, sau Nga, Trung Quốc cũng đã tiếp xúc với lực lượng chống chính phủ ở Libya. Như vậy, cả 5 nước thường trực HĐBA LHQ đã đối thoại với phe chống chính phủ. Cộng với việc NATO đang tiếp tục tăng cường sức ép từ các cuộc không kích và phe đối lập tuyên bố mở thêm các mặt trận mới, giới phân tích nhận định Tổng thống M.Gaddafi sớm muộn cũng sẽ phải rời bỏ quyền lực.

Ngày 10-6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề xuất với ông M.Gaddafi một sự đảm bảo để ông M.Gaddafi rời khỏi Libya.

Hưởng ứng lời kêu gọi của nhóm đối lập lớn nhất Bahrain, Al-Wefaq, hơn 10.000 người Hồi giáo dòng Shiite tại thủ đô Manama (Bahrain) đã tham gia một trong những buổi tuần hành lớn nhất tính từ giữa tháng 3 đến nay, thể hiện rõ quyết tâm đòi cải cách.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục