Trùng lắp... tên đường

Trùng lắp... tên đường

Theo bản đồ thành phố, chỉ tính 13 quận nội thành gồm quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận đã có 536 đường lớn nhỏ cùng với khoảng 200 đường không tên và mang tên số, trong số này có 76 tên đường được đặt trùng nhau.

  • 3 trong 1 hay 1 trong 3?

Trong cùng một thành phố mà tên đường trùng lặp nhau quá nhiều. Ở Q.1 có đường Cô Bắc, cô Giang thì Phú Nhuận cũng có; đường Phan Đình Phùng: cả hai quận Phú Nhuận–Tân Bình đều có; Tăng Bạt Hổ: Q.5-Bình Thạnh; Nguyễn Trường Tộ: Tân Bình-Quận 4; Ngô Đức Kế: Q.1-Bình Thạnh; Cao Thắng: Q.3-Phú Nhuận; Nguyễn Trung Trực: Q1-Bình Thạnh... Sự trùng lặp này rất khó thống kê hết.

Trùng lắp... tên đường ảnh 1

Ngoài đường Nguyễn Tri Phương quen thuộc có Bệnh viện 115 và Viện Tim tọa lạc còn có... thêm 6 đường Nguyễn Tri Phương quanh khu vực đó. Ảnh: KHA ĐIỀN

Đại lộ Trần Hưng Đạo, một trong những con đường lớn và dài của thành phố đã quá quen thuộc với mọi người, vậy mà tại quận Tân Phú mới được thành lập cũng có đường Trần Hưng Đạo (nối đường Lũy Bán Bích với đường Hồ Ngọc Cẩn).

Nếu như người TP ai cũng biết Đại lộ Lê Lợi rộng lớn ngay giữa trung tâm thành phố (Q.1) thì có lẽ ít người biết đến tại quận Gò Vấp còn có một con đường nhỏ mang tên Lê Lợi nối liền đường Nguyễn Kiệm với đường Nguyễn Văn Nghi, và tại quận Tân Bình cũng có đường Lê Lợi nối đường Bàu Cát với đường Trường Chinh.

Chính vì những con đường trùng tên này mà nhiều chuyện dở khóc dở cười cứ liên tục xảy ra. Gò Vấp có các con đường như Phan Văn Trị, Lê Lai, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Du, Phạm Ngũ Lão, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thượng Hiền... thì tại Q.1, Bình Thạnh, Q.3, Q.11, Q.5, Tân Bình cũng đều có.

Đó là những tên đường tuy có trùng lặp, nhưng dù sao cũng khác quận. Nhưng có những sự trùng lặp không thể nào chấp nhận được. Nhiều đường cùng phường, cùng quận vẫn trùng lặp nhau. Như đường Phan Văn Trị, không kể ở Gò Vấp, tại phường 2 Q.5 có đến 2 đường. Một nối từ Nguyễn Văn Cừ đến quá đường Nguyễn Biểu, một từ Lê Hồng Phong thông qua Huỳnh Mẫn Đạt. Đây là hai con đường hoàn toàn độc lập và cách xa nhau

Chuyện lộn xộn này cũng chưa thấm vào đâu khi tại Q.3, có tới 3 đường Trần Văn Đang nằm sát bên nhau. Một đường từ CMT8 đến Ga Hòa Hưng, một đường chạy dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc và giữa hai con đường Trần Văn Đang song song nhau như vậy, lại có thêm một con đường Trần Văn Đang thứ 3, nối liền hai con đường “sinh đôi” này. Hoặc ở “ngã tư” Lê Văn Sỹ, hai đường giao cắt nhau đều mang tên Lê Văn Sỹ. Một Lê Văn Sỹ chạy dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc, một Lê Văn Sỹ nối dài từ Hoàng Văn Thụ đến Trần Quốc Thảo

Chắc cũng chưa ai nghĩ rằng TPHCM có đến 7 đường Nguyễn Tri Phương. Có thể gọi là khu vực Nguyễn Tri Phương, vì các tên đường lớn nhỏ trong khu vực P12-P14 Q.10 đều mang tên Nguyễn Tri Phương, Vô tình biến nơi đây là một bát quái trận đồ. Nhiều người đến đây tìm địa chỉ, đành bó tay trở về.

  • Tuy hai mà một - có một không hai

Từ lâu, nhiều người nói khôi hài rằng trong lịch sử nước ta có đến hai ông Trần Hưng Đạo, nên mới có tên đường Trần Hưng Đạo và Trần Hưng Đạo B. Tuy hai mà một, nhưng cũng không đúng, phải nói là “3 trong một” vì tại Q. Gò Vấp còn có tên đường Trần Quốc Tuấn. Tại Q. Bình Thạnh có hai tên đường khác nhau nhưng lại là một nhân vật, đó là Đinh Tiên Hoàng và Đinh Bộ Lĩnh. Đại lộ Nguyễn Huệ tại trung tâm thành phố, tên của vị anh hùng áo vải Tây Sơn, tại Gò Vấp và quận 12 lại có tên Quang Trung...

Lại có những con đường khá độc đáo. Đó là một đoạn đường dài khoảng 300m, chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc thuộc phường 17 Q. Phú Nhuận được đặt đến 5 tên đường nối tiếp nhau. Đó là Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi, Cao Thắng, Ngô Thời Nhiệm và Phan Đình Phùng. Bà con nơi đây cho biết việc đặt tên như vậy là do trước kia có 5 con hẻm thông ra tới đây, mỗi hẻm mang tên một đường riêng.

Nhờ giải tỏa kênh Nhiêu Lộc, họ trở thành nhà mặt tiền. Nhưng nếu sửa lại tên đường thì sẽ động đến bao thứ giấy tờ, nhiêu khê quá. Thôi thì “đường ai nấy giữ”. Cũng như một con đường tại phường 14 quận 10 có 4 tên: Đồng Tiến-Thành Thái-CX 80 Căn-Nguyễn Tri Phương. Từ nhà số 100A Thành Thái, nhà kế bên có số 8Abis Nguyễn Tri Phương, kế tiếp là nhà số D6 CX 80 Căn...

Ngay như khu cư xá Bắc Hải, là khu dân cư mới quy hoạch và xây dựng sau này, có các tên đường như Trường Sơn, Hương Giang, Cửu Long, Ba Vì, Đồng Nai, Thất Sơn, Châu Thới, Bửu Long... Tại khu dân cư Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất, lại nổi lên các tên đường, đúng hơn là sự lập lại của sự trùng lắp không cần thiết các tên đường ở cư xá Bắc Hải Q.10. Nào là Trường Sơn, Hậu Giang, Đồng Nai, Ba Vì, Hương Giang, Cửu Long, Hồng Hà, Bạch Đằng...

Rồi đến những tên đường không hiểu mang ý nghĩa gì như Tự Cường, Tự Quyết, Tự Lập, Thành Công... ở quận Tân Bình và Tân Phú. Nhiều người thắc mắc là vì sao lại đặt những tên đường không dính líu gì đến các địa danh ở thành phố, mà cũng không phải tên các danh nhân anh hùng liệt sĩ nào, trong khi lịch sử nước ta đâu có thiếu những danh nhân anh hùng đáng được đặt tên.

Chuyện loạn số nhà thì có thể do nguyên nhân mức độ đô thị hóa quá nhanh, nhu cầu nhà ở là rất lớn, nên không quản lý kịp thời. Nhưng tên đường, không ai có thể tự đặt tên, tự mở đường. Việc đặt và đổi tên đường là trách nhiệm của các cơ quan chức năng không chỉ mang ý nghĩa hôm nay mà cho cả mai sau. Lẽ nào cứ để tên đường thành phố không theo một quy củ nào như thế mãi!  

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

 

Tin cùng chuyên mục