Ngày 22-11, lần đầu tiên sau hơn 2 năm, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất. Động thái này được tờ New York Times nhận định: Trung Quốc đã thừa nhận có vấn đề về tăng trưởng và thay đổi chiến lược để phục hồi nền kinh tế.
Áp lực tăng trưởng
PBOC đã giảm 25 điểm cơ sở trong lãi suất tiêu chuẩn đối với các khoản tiền gửi và 40 điểm cơ sở đối với lãi suất cho vay trong một năm. Sau khi cắt giảm, lãi suất tiền gửi một năm là 2,75%, trong khi lãi suất cho vay là 5,6%. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực từ việc GDP tăng trưởng chậm trong quý 3 vừa qua (7,3%) so với hai quý trước (lần lượt là 7,5% và 7,4%), đồng thời là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 1-2009.
Theo New York Times, trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh tránh sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế nhằm phát đi tín hiệu rằng kinh tế nước này vẫn ổn định bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, đối mặt với thực tế là ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu kinh tế trì trệ cùng với sự èo uột của nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản, Trung Quốc buộc phải đưa ra biện pháp cắt giảm lãi suất. Động thái này được kỳ vọng sẽ vực dậy thị trường nhà đất đang tuột dốc, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và giúp các nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn khi rót vốn vào Trung Quốc.
Bất động sản, lĩnh vực từng giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, xuống dốc trong thời gian qua.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã phản ứng tích cực với thông tin cắt giảm lãi suất của Trung Quốc. Paul Edelstein, Giám đốc tài chính của Công ty nghiên cứu IHS Global Insight, nhận định Trung Quốc là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì vậy, bất cứ một giải pháp nào nhằm ngăn chặn đà suy giảm của kinh tế nước này chắc chắn đều nhận được những phản ứng tích cực từ các thị trường.
Với việc cắt giảm lãi suất này, Trung Quốc đã cùng các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đẩy mạnh nỗ lực kích thích kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng. Trước đó, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) cũng duy trì tỷ lệ lãi suất cho vay thấp và khuyến khích người dân tiêu dùng. Ngân hàng trung ương châu Âu thì đang xem xét về kế hoạch mua trái phiếu chính phủ của các nước với quy mô lớn. Tại châu Á, tháng trước, Chính phủ Nhật Bản cũng công bố kế hoạch mua trái phiếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nước này.
Rủi ro
Mark Williams, nhà kinh tế trưởng tại khu vực châu Á của Capital Economics, nhận định việc cắt giảm lãi suất của PBOC tác động không đáng kể đến tốc độ tăng trưởng. Tác dụng chính của biện pháp này là giúp cải thiện tình hình tài chính của các công ty, tập đoàn nhà nước lớn của Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp này có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các khoản vay từ ngân hàng.
Điều này sẽ góp phần làm giảm sức ép nợ của Trung Quốc khi mà các doanh nghiệp có thể tìm được nguồn tín dụng lãi suất thấp để trả nợ. Thống kê từ nhiều ngân hàng cho hay lượng cá nhân, doanh nghiệp vay trong tháng 10 vừa qua đã giảm do nỗi lo về tăng trưởng kinh tế thấp.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các khoản vay lãi suất thấp sẽ thúc đẩy phát triển nhưng dẫn đến sự phình to các khoản nợ chính phủ và nợ địa phương. Một làn sóng nợ xấu có thể được thiết lập là điều mà các nhà phân tích cảnh báo dành cho Trung Quốc.
|
ĐỖ CAO (tổng hợp)