Ngày 19-4, dư luận thế giới lên án hành động phi pháp của Trung Quốc, sau khi truyền thông nước này xác nhận Bắc Kinh đã đưa máy bay tuần tra - vận tải ra sân bay xây trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở biển Đông, Mỹ cho biết, sẽ điều một khinh khí cầu đến Philippines để giúp quân đội quốc gia Đông Nam Á này theo dõi các hoạt động hàng hải và bảo vệ biên giới.
Hoạt động mập mờ
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis cho biết, Mỹ đã biết về thông tin máy bay quân sự Trung Quốc đáp ở đá Chữ Thập của Việt Nam vào ngày 17-4. Tuy nhiên, ông Davis chất vấn sự mập mờ trong hoạt động của Trung Quốc, bởi vì sao chỉ chở 3 công nhân bị bệnh rời khỏi địa điểm này, họ lại sử dụng một máy bay quân sự chứ không phải máy bay dân sự? Người phát ngôn Lầu Năm Góc thúc giục Trung Quốc “tái khẳng định rằng nước này không có kế hoạch triển khai máy bay quân sự, hoặc luân phiên đưa máy bay đến các đồn điền quân sự” mà nước này xây trái phép ở biển Đông. Ông Davis cũng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện những hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép, qua đó thách thức tuyên bố chủ quyền tham vọng của nước này.
Đường băng trái phép trên đá Chữ Thập
Theo Global Times, đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc công khai thừa nhận đã đáp phi cơ quân sự xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập. Trước đó, theo Wall Street Journal, Mỹ phát hiện một loạt chuyến bay đến và đi từ đá Chữ Thập trong ngày 15-4.
Hãng tin AP ngày 19-4 dẫn phát biểu của Quốc vụ khanh Anh phụ trách Đông Á Hugo Swire tuyên bố, phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc, liên quan đến những tuyên bố chủ quyền quá quắt của Bắc Kinh ở biển Đông, cần phải được tuân thủ. Ông Swire nhấn mạnh, Anh ủng hộ Mỹ trong việc coi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) là một cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đối thoại về tranh chấp lãnh thổ. Ông cho biết, mặc dù quan hệ giữa Anh với Trung Quốc là nồng ấm và nước này mong muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa London ngừng chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề nước này theo đuổi chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông. Theo hệ thống luật pháp quốc tế mà thế giới đang dựa vào, Anh trông đợi phán quyết từ La Hay sẽ được tất cả các bên liên quan tôn trọng, cho dù phán quyết này theo hướng nào.
Mỹ tăng cường hỗ trợ Philippines.
Theo giới quan sát, việc Trung Quốc hạ cánh máy bay quân sự xuống đá Chữ Thập cho thấy một bước tiến mới của Bắc Kinh trong tham vọng hiện thực hóa chủ quyền. Với lần đáp này, đường băng trên đá Chữ Thập dài hơn 3.000m đã chứng tỏ khả năng đảm bảo hoạt động của mọi loại máy bay, bao gồm cả phi cơ ném bom chiến lược tầm xa của Trung Quốc. Trước đó, hồi đầu tháng 1, Trung Quốc lần đầu tiên đã đưa máy bay tới thử nghiệm đường băng phi pháp, 4 ngày sau, Trung Quốc cho thêm 2 máy bay dân sự hạ cánh xuống đảo kèm theo tuyên bố hành động của họ nhằm đảm bảo an toàn hàng không trong khu vực.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng gia tăng ở biển Đông, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg cho biết, Mỹ sẽ điều một khinh khí cầu đến Philippines để giúp quân đội quốc gia Đông Nam Á này theo dõi các hoạt động hàng hải và bảo vệ biên giới. Theo CNN, Washington sẽ giao cho Manila các thiết bị thông tin có gắn hệ thống cảm ứng và radar, trị giá 42 triệu USD, vào các tàu chiến của Philippines và khinh khí cầu có gắn radar trên không trung sẽ thu thập tin tức cũng như phát hiện các chuyển động trong khu vực biển Đông.
HẠNH CHI (tổng hợp)