Trang thông tin mạng AsiaOne dẫn lời một quan chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ mở một phòng thí nghiệm tại tỉnh Hải Nam vào tháng 11-2016 để tập trung nghiên cứu việc khai thác nguồn tài nguyên của biển Đông. Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý tại biển Đông của nước này.
Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc thường hoạt động vùng biển Đông. (Ảnh do máy bay tuần thám P-8 của Mỹ chụp)
Từ viện nghiên cứu…
Theo mạng tin trên, phòng thí nghiệm này được thành lập theo ý tưởng của Cục Khoa học và công nghệ Hải Nam và Đại học Hải Nam, là một công trình trọng điểm nhà nước. Ngoài mục đích nghiên cứu khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên trong vùng biển Đông, Bắc Kinh hy vọng cơ sở nghiên cứu sẽ giúp ích cho việc củng cố các yêu sách chủ quyền phi lý tại biển Đông của nước này. Huang Bangqin, giáo sư về sinh học biển của phòng thí nghiệm trên, cho rằng phòng thí nghiệm này sẽ bảo đảm quyền lợi của Trung Quốc ở biển Đông.
Chen Yongjun, Phó Giám đốc phòng thí nghiệm, cho biết sẽ có khoảng 40 nhà nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm, nhưng trước tiên sẽ tuyển 24 nhà nghiên cứu từ các trường đại học, và sau đó sẽ tuyển thêm “nhân tài” trong và ngoài nước. Với kế hoạch hoạt động 5 năm, phòng thí nghiệm trên sẽ nhận 1,5 triệu USD/năm từ chính quyền tỉnh Hải Nam cho việc xây dựng, hoạt động hàng ngày, các dự án nghiên cứu và tuyển dụng nhân sự.
…đến phô trương uy lực
Giới quan sát nhận định, không quân Trung Quốc ngày càng phô trương với các hoạt động phi pháp được họ gọi là “tuần tra tác chiến” ở biển Đông. Mục tiêu phô trương uy lực để khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt là tại các khu vực như Trường Sa của Việt Nam hay bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên biển Đông, đã thể hiện rõ trong các tuyên bố hôm 6-8 vừa qua của một phát ngôn viên không quân Trung Quốc. Nhân vật này ngang ngược cho biết, không quân Trung Quốc đã tung oanh tạc cơ và chiến đấu cơ xuống vùng biển Đông để tiến hành những bài tập tuần tra tác chiến trên không để bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi trên biển của đất nước. Thông báo còn nối tiếp theo một hành động thị uy khác như cho oanh tạc cơ chiến lược H6-K có khả năng mang bom nguyên tử đến hoạt động ở vùng biển Đông, bay ngang qua bãi cạn Scaborough rồi cho chụp hình đăng báo…
Hù dọa và lấn tới?
Theo các nhà quan sát, việc Trung Quốc chọn bãi Scaborough và vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm nơi phô trương sức mạnh nhằm mục tiêu khẳng định trở lại sự kiện Bắc Kinh phủ nhận hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) về biển Đông. Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn thăm dò phản ứng của Mỹ, đồng thời đe dọa Philippines, 2 nước mà Trung Quốc cho là tác nhân trực tiếp làm cho họ mất mặt tại PCA.
Cũng vẫn theo giới quan sát, khi liên tục lớn tiếng về hoạt động phi pháp trên không ở biển Đông, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là nhắn với Mỹ rằng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để đáp trả tương xứng các hành động của Mỹ. Với chiến đấu cơ Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn trên bầu trời biển Đông, Mỹ dĩ nhiên phải tìm cách tránh các hiểm họa va chạm trên không, đặc biệt trong bối cảnh phi công Trung Quốc nổi tiếng là thiếu chuyên nghiệp.
Thông điệp hù dọa nhắm vào Philippines cũng rất rõ ràng, nhất là trong bối cảnh tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có biểu hiện muốn hòa dịu với Trung Quốc, sẵn sàng đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp. Phản ứng của Mỹ và đồng minh trước việc không quân Trung Quốc “diễu võ giương oai” sẽ rất quan trọng, vì lẽ nếu bất động, Bắc Kinh hoàn toàn có thể lợi dụng dịp này tuyên bố luôn một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, tương tự như cách nước này đã từng làm trên biển Hoa Đông trước đây.
ĐỖ CAO (tổng hợp)