Theo tờ Le Monde, bên cạnh thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường, Chính phủ Trung Quốc đang phải nhức đầu đối phó với tình trạng thất thoát vốn nghiêm trọng. Gần 1.000 tỷ USD đã được chuyển ra nước ngoài trong vòng 1,5 năm qua là điều chưa từng thấy tại Trung Quốc.
Tình trạng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc được đánh giá rất nghiêm trọng và đang có chiều hướng tiếp diễn. Một trong những dấu hiệu rõ nét nhất là sau khi công bố số liệu vốn xuất ngoại cho đến tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không công bố thống kê của tháng 1 vừa qua. Đối với các chuyên gia kinh tế, hiện tượng vốn bốc hơi tất nhiên sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc trong việc thanh khoản cho thị trường trong nước, nhằm khôi phục đà tăng trưởng, lấy lại niềm tin trong giới đầu tư.
Để chống lại nạn rút vốn khỏi Trung Quốc, giới chức tài chính nước này đã áp dụng rất nhiều biện pháp, cả kinh tế lẫn hành chính. Một trong những biện pháp trên là ồ ạt thu mua nhân dân tệ để giúp đồng tiền này tăng giá. Thế nhưng cái giá phải trả cho biện pháp này rất cao khi mà kho dự trữ ngoại tệ Trung Quốc đã mất 108 tỷ USD trong tháng 12-2015, rồi mất thêm 99 tỷ vào tháng 1-2016. Tính ra từ đỉnh cao 4.000 tỷ USD năm 2014, đến nay, kho ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn hơn 3.200 tỷ, một mức giảm chưa từng thấy và với tốc độ chóng mặt.
Về mặt hành chính, Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu để chống nạn chuyển tiền lậu. Ví dụ như năm ngoái, một phụ nữ Trung Quốc đại lục đã bị hải quan của Đặc khu hành chính Hồng Công bắt giữ với 250.000 USD quấn quanh bụng. Một trong những biện pháp đang rất thịnh hành hiện nay là thuê người mang hộ. Theo luật hiện hành, mỗi người dân Trung Quốc có quyền mang theo tối đa 50.000 USD tiền mặt/năm khi xuất ngoại. Do vậy, chỉ cần nhờ được 50 người “giúp”, khoản tiền trị giá 2,5 triệu USD đã được đưa ra nước ngoài một cách hợp pháp. Trong khi đó, giới nhà giàu tại Trung Quốc nghĩ ra rất nhiều kế sách để chuyển USD ra nước ngoài một cách gần như hợp pháp như mua bảo hiểm nhân thọ bằng ngoại tệ, mua bất động sản hay công ty tư nhân ở nước ngoài… Một thủ đoạn khá phổ biến là khai báo lượng hàng xuất khẩu thấp hơn thực tế, yêu cầu đối tác nước ngoài thanh toán số hàng khai báo trên giấy tờ vào tài khoản chính của công ty tại Trung Quốc, còn phần dư ra thì trả vào tài khoản mà công ty Trung Quốc đã mở ở nước ngoài. Cá biệt, còn có công ty giả mạo hồ sơ bị phạt ở nước ngoài, rồi chuyển tiền vào một công ty bình phong với danh nghĩa là đóng phạt.
Theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp trấn áp không phải là giải pháp bởi bắt nguồn của tình trạng tiền chảy ra nước ngoài là do sự mất niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc. Vấn đề Bắc Kinh phải làm hiện nay là trấn an được các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như nước ngoài về khả năng kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại. Chỉ có thế mới tránh được tình trạng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
ĐỖ CAO