Trung Quốc liên doanh làm phim

Trung Quốc liên doanh làm phim

Năm 2002, khán giả yêu phim thực sự ngỡ ngàng trước bộ phim Anh hùng của đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu, họ khám phá ra một nền điện ảnh đậm chất nhân bản phương Đông mà lâu nay vốn bị che khuất bởi Hollywood. Kể từ đó, các bộ phim Trung Quốc ngày càng thu hút khán giả thế giới, nền điện ảnh Trung Quốc ngày càng khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.

Việc ban tổ chức LHP Nannes 2006 (Pháp) mời đạo diễn Vương Gia Vệ làm chủ tịch hội đồng giám khảo là một minh chứng: lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử LHP Cannes, một người Trung Quốc vinh dự đảm trách vị trí này...

  • 2004 - Bước ngoặt của thị trường điện ảnh Trung Quốc

Trung Quốc liên doanh làm phim ảnh 1

Phim Thập diện mai phục

Sau mười năm liên tiếp thất bại trong cuộc “tranh đấu” với phim ngoại nhập ở box-office, năm 2004, lần đầu tiên Trung Quốc đã dành phần thắng trên thương trường điện ảnh nước nhà. Theo Cơ quan Quản lý phát thanh, điện ảnh và truyền hình quốc gia (SARFT), doanh thu của ngành điện ảnh trong năm này đạt 1,5 tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng 60% so với năm trước, trong đó phim Trung Quốc chiếm tỷ lệ 55%.

Ba bộ phim dẫn đầu doanh thu năm 2004 là Thập diện mai phục, Thiên hạ vô tặc và Kung Fu Hustle, tất cả đều là phim Trung Quốc. Quả là một bước ngoặt quan trọng đối với ngành điện ảnh nước này khi mà trước đó box-office gần như hoàn toàn bị thống trị bởi các bộ phim nước ngoài.

Cũng theo SARFT, năm 2004, Trung Quốc sản xuất được 202 bộ phim, 80% trong số đó được đầu tư bởi các nguồn tài chính tư nhân hoặc bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Bộ phim Thập diện mai phục được đầu tư bởi hãng phim tư nhân Beijing New Picture Distribution Co. LTD; còn cả hai bộ phim Thiên hạ vô tặc và Kung Fu Hustle đều do hãng phim Huayi Brothers, một trong những hãng điện ảnh và truyền hình tư nhân thành công nhất ở Trung Quốc hiện nay sản xuất.

Tháng 10.2004, hãng phim Mỹ Warner Brothers Pictures đã thành lập liên doanh sản xuất phim đầu tiên với China Film Group (hãng sản xuất và phát hành phim lớn nhất Trung Quốc thuộc về nhà nước, cũng là hãng duy nhất có quyền nhập khẩu phim nước ngoài) và hãng phim tư nhân Hengdian. Kể từ tháng 11-2004, chính phủ Trung Quốc cho phép các đối tác nước ngoài có quyền nắm giữ tới 49% cổ phần các hãng sản xuất phim và chương trình truyền hình trong nước, tạo “cơ hội vàng” cho các hãng truyền thông quốc tế xâm nhập vào thị trường điện ảnh tiềm năng nhất thế giới này.

  • Kết quả của một quá trình thay đổi

Năm 1997, với 30 triệu NDT, nhà làm phim người Mỹ Peter Loehr hợp tác với hãng phim Tây An Xian Film Studio cho ra đời bộ phim Spicy Love Soup (tạm dịch Món xúp tình nhiều gia vị) kể về đời sống tình cảm của người thị thành Trung Hoa đương đại. Loehr rất hài lòng với sự hợp tác này vì sau đó bộ phim đã đem lại khoản doanh thu không ngờ 300 triệu NDT.

Năm 2001, phần lớn kinh phí để làm bộ phim Big Shot’s Funeral (tạm dịch Đám ma trúng lớn) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương là do Columbia Pictures đầu tư. Ba triệu đô-la không phải là một món tiền to đối với Hollywood, nhưng nó lớn gấp 10 lần số tiền đầu tư trung bình của một bộ phim Trung Quốc.

Trung Quốc liên doanh làm phim ảnh 2

Phim Vô cực

Ngay từ đầu, bộ phim đã không hề có ý định che giấu “khuynh hướng” thị trường của mình, từ dàn diễn viên được lựa chọn cho tới việc sản xuất, cách tiếp thị... Doanh thu của bộ phim vượt quá 100 triệu NDT (giá vé xem phim ở Trung Quốc rẻ hơn ở Mỹ nhiều), một con số cho tới lúc bấy giờ thật là khó tưởng tượng đối với phần lớn các đạo diễn Trung Quốc. Việc mở rộng thị trường điện ảnh cho sự hợp tác và liên doanh đã mở ra những chân trời mới.

Các hãng nước ngoài muốn làm phim ở Trung Quốc còn do giá thành sản xuất ở đây khá rẻ. Họ sẽ quay cảnh cho phim mình ở Trung Quốc nhiều hơn, tổ chức việc hoàn tất hậu kỳ, cộng tác về mặt công nghệ, tham gia đào tạo về chuyên môn và quản lý, cũng như xây dựng và khai thác những tổ hợp chiếu bóng mới, mở rộng lĩnh vực phát hành phim...

Chính phủ Trung Quốc cho phép đối tác nước ngoài tham gia các công ty liên doanh thuộc lĩnh vực sản xuất điện ảnh, truyền hình, nhưng có kèm theo những quy định cụ thể, ví dụ như không được tham gia vào những chương trình đều đặn và định kỳ của các đài truyền hình. Những siêu phẩm mới đây của Trung Quốc đều là kết quả của sự hợp tác nhiều thành phần.

  • 2005-năm được mùa của điện ảnh Trung Quốc

Năm qua, thế giới và cả nước Trung Hoa trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày khai sinh nền điện ảnh Trung Quốc. Đây cũng là năm mà ngành công nghiệp điện ảnh nước này có những bước tiến đáng kể: sản xuất 260 bộ phim, thu nhập 600 triệu USD, nhiều hơn năm trước 150 triệu USD; doanh thu trong nước đạt 248 triệu USD, nhiều hơn năm trước hơn 60 triệu; doanh thu ở nước ngoài tăng hơn năm ngoái 50%, đưa Trung Quốc trở thành thị trường điện ảnh lớn vào hàng thứ ba trên thế giới, sau Hollywood và Bollywood của Ấn Độ.

Những bộ phim có doanh thu lớn nhất trong năm như Vô cực, Có lẽ là tình yêu, Thiên Lý Tẩu Đơn Kỵ, A Chinese Tall Story, Huo Yuanji, Huyền Thoại, Thất kiếm, Điệp vụ Seoul... đều là kết quả của sự liên doanh sản xuất. Vô cực, bộ phim của đạo diễn Trần Khải Ca với kinh phí lớn nhất từ cổ chí kim, có sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Tương tự là những siêu phẩm 2006 như Remembrance Autumn (Hoài niệm mùa thu) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, The Night Banquet (Dạ Yến) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, Kungfu Hustle II của Châu Tinh Trì...

Thành công của các bộ phim quốc nội đã khơi dậy được sự quan tâm của quần chúng tới nền điện ảnh nước nhà, khiến cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài sẽ còn đầu tư làm phim nhiều hơn nữa, góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh đất nước. Đương nhiên đấy không phải là lý do duy nhất của sự thành công. Còn nhiều vấn đề phải giải quyết như hệ thống phân phối phát hành phim, hệ thống rạp chiếu bóng, giá vé xem phim trong các tổ hợp chiếu bóng còn khá đắt so với mặt bằng chung...

Điện ảnh Trung Quốc đã có được những nhà điện ảnh lớn, nay nước này đang hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh lớn... 

QUỐC MINH

Tin cùng chuyên mục